Ngôn từ, lời được nói ra, vốn dĩ gắn liền với cái đẹp. Bởi từ bản chất, ngôn từ là sự tinh hoa không chỉ thuộc về văn hóa nhưng còn là sự kết tinh mài dũa từ những điều hay trong ý tưởng và trong nét đẹp tâm hồn. 

Ngôn ngữ là cánh cửa để bạn cho người khác thấy tâm hồn mình. Ngôn ngữ có cả một khoa triết lý sống, bởi ngôn ngữ gắn với con người, là những hữu thể tồn tại trong cuộc sống với bao nhiêu chiều kích mang tính triết lý. Ngôn ngữ là công cụ để chuyển tải những ý nhị thâm sâu bên trong của một người ra bên ngoài và làm phong phú cuộc sống. Người ta nhận ra giá trị con người khởi đi từ ngôn ngữ, cái bộc lộ rõ nét những gì ẩn chứa bên trong của lời nói. Người khôn hay dại; người chân thật hay giả dối...đều có những ngôn ngữ riêng của họ. Nghe lời nói, bạn có thể đoán biết họ là ai. Nghe ngôn từ, người khác sẽ hiểu bạn là người thế nào, nhân cách bạn ra sao. 

Ngôn đẹp có trong người khôn ngoan, tinh tế, nhạy cảm và chân thật bởi "Tiếng nói là hơi thở của tâm hồn" (Pythagore). Ngôn đẹp cũng có thể không ở trong người học cao, nhưng ngôn vẫn đẹp khi họ có trái tim đủ lớn để sống với những điều chân thật, và luôn đặt tình yêu ở nơi đó như Piet nói "Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim". Có những ngôn ngữ không nói thành lời mà vẫn đẹp. Đó là cử chỉ của đức hạnh "Cử chỉ đẹp là đức hạnh được dịch ra một thứ ngôn ngữ dễ hiểu" (Francis Bacon).

Ngôn đẹp chắc chắn không có trong những người giả dối, hẹp hòi hay mưu mẹo. Ngôn đẹp không có ở những người chỉ biết sống với những gì tạm thời, chóng qua, vui trong sự vô độ. Ngôn đẹp không có ở những người sống vô kỷ luật, coi thường những giá trị nhân bản, đạo đức làm người. Ngôn đẹp không có ở trong những người chỉ biết chải chuốt bên ngoài thật đẹp, nhưng lại không biết nuôi dưỡng tâm hồn và gầy dựng những giá trị riêng của mình. Ngôn đẹp không có trong những người không biết chau chuốt khối óc và huấn luyện nó đi tới những điều hoàn thiện. Nhìn vào một số người trong xã hội hiện nay, già hay trẻ, trung niên hay thiếu niên...và cả những cô cậu nhóc tì nhỏ đang sử dụng những ngôn ngữ thật khó chịu, chói tai và xấu. Vì sao?

Có lẽ, bạn và tôi cũng cần nhìn lại ngôn từ của mình. "Nói ra không ai chói tai có thể gọi là biết nói; nói ra mọi người đều hướng theo có thể gọi là biết thời" (Khổng Tử).

Muốn có ngôn đẹp, phải học "Học ăn, học nói, học gói, học mở" (Tục ngữ Việt Nam). Không học, không giũa, không rèn, sẽ không thể nào có những ngôn đẹp, những lời nói dịu dàng dễ nghe dành tặng cho người khác và làm cho thế giới này thêm đẹp được.

Sr. Têrêsa Ngọc Lễ, Dòng Nữ Đa Minh Thánh Tâm

Nguồn: Giáo Phận Xuân Lộc