Mừng xuân Canh Dần 2010, nhớ những năm Dần trong lịch sử 350 năm của Giáo Hội tại Việt Nam

Nhân dịp Xuân về, đón tết Canh Dần 2010, trong khung cảnh Năm Thánh xin kính mời đọc mấy dòng lịch sử vắn tắt, điểm lại những năm Dần trong chặng đường lịch sử 350 năm qua của Giáo Hội tại Việt Nam. Bắt đầu từ khi Đức Thánh Cha Alexander VII ban Tông hiến thiết lập hai giáo phận Đàng Trong và Đàng Ngoài, ngày 09-09-1659 (tức ngày 23 tháng Bảy năm Kỷ Hợi) đến nay, 2010, năm Canh Dần, Giáo Hội tại Việt Nam đã phát triển với 26 giáo phận chính tòa, và vẫn tiếp tục cuộc lữ hành trong lịch sử, như đã từng bền bỉ thực hiện cuộc hành trình trong suốt hơn ba thế kỷ qua.

1662 - Nhâm Dần:

Ngày 22-08, Đức cha Lambert de la Motte rời Paris, lên đường đến Việt Nam.

1674 - Giáp Dần:

Ngày 13.9, cha Laneau được bổ nhiệm làm Giám mục giáo phận Tông tòa Thái Lan và được hai đức cha Lambert và Pallu tấn phong giám mục.

– Cha Baltazar Caldeira qua đời tại Goa. Ngài từng hoạt động truyền giáo ở Ðàng Ngoài từ 1639; rồi Ðàng Trong năm 1646, nhưng sau đó bị nhà cầm quyền trục xuất.

– Xây dựng ngôi nhà nguyện đầu tiên tại Chợ Quán. Đây là một trong những họ đạo lâu đời nhất của Tổng giáo phận Sài Gòn. Ngôi nhà nguyện này do giáo dân từ miền Bắc, Trung vào xây dựng. Sau nhiều lần xây lại nhà thờ, năm 1887, cha xứ Nicola Hamm (Tài) khởi công xây dựng nhà thờ mới. Công trình này kéo dài suốt 4 năm, đến năm 1891 hoàn thành. Ngôi nhà thờ mới này được khánh thành vào mùng 4 Tết Bính Thân (1896) và tồn tại đến nay. Nhà thờ Chợ Quán kiến trúc theo kiểu gothique, trải qua hơn 100 năm vẫn uy nghi, đồ sộ nhất khu vực Chợ Lớn.

1686 - Bính Dần:

Thành lập chủng viện Lục Thủy (giáo phận Đàng Ngoài, nay thuộc giáo phận Bùi Chu).

1698 - Mậu Dần:

Sài Gòn – Gia Định được thành lập. Nhiều di dân người công giáo theo các cha dòng Tên vào Nam.

– Tòa Thánh bổ nhiệm linh mục Raimundo Lezzoli (OP) làm giám mục Đông Đàng Ngoài.

1710 - Canh Dần:

Hội Thừa sai Paris soạn thảo bản điều lệ đầu tiên.

1722 - Nhâm Dần:

Cha José Garcia, dòng Phanxicô, được cử vào giúp những người di dân tại Chợ Quán.

– Sắc chỉ cấm đạo thứ tư của chúa Trịnh Cương (tiếp theo ba sắc chỉ trước đó được ban hành vào các năm: 1709, 1712, 1721).

– Thánh Vinh Sơn Liêm chịu chức linh mục tại Manila ( Philippines).

1770 - Canh Dần:

Thánh Jacinto Castaneda (Gia), linh mục, OP, đến Việt Nam ngày 23-02, hoạt động truyền giáo tại Thái Bình, được phúc tử đạo cùng ngày với Thánh Vinh Sơn Liêm (07-11-1773).

– Cha Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine), giám đốc Chủng viện Hòn Đất (Hà Tiên, Kiên Giang), phải rời khỏi Việt Nam sau khi chủng viện bị quân Khơ-me tấn công và thiêu hủy. Ngài sang Malacca lánh nạn, rồi đến Pondichéry (Ấn Độ). Tại đây ngài lập chủng viện Pondichéry và bắt tay soạn Từ điển Việt - La (Dictionarium Anamitico-Latinum). Ngày 24-09-1771, ngài được Tòa thánh bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Tông tòa Đàng Trong và được tấn phong ngày 24-02-1774 do Đức cha Bernardo de São Caetano. Ngày 12 tháng Ba 1775 ngài trở lại Việt Nam, lãnh đạo giáo phận Đàng Trong.

1782 - Nhâm Dần:

Thành lập Chủng viện Mặc Bắc (giáo phận Đàng Trong, nay thuộc giáo phận Vĩnh Long) và Chủng viện Dinh Cát (thuộc giáo phận Đàng Trong, nay thuộc TGP Huế).

– Đức cha Bá Đa Lộc chuyển trung tâm giáo phận từ Biên Hòa về Hà Tiên (do Tây Sơn chiếm lại Gia Định, Biên Hòa, và Nguyễn Ánh phải tháo chạy ra đảo Phú Quốc).

1830 - Canh Dần:

Năm sinh của Thánh linh mục Phaolô Lê Văn Lộc (1830-1859).

1842 - Nhâm Dần:

Thánh linh mục Phêrô Hoàng Khanh chịu tử đạo tại Hà Tĩnh ngày 12-07.

– Các linh mục thừa sai J. C. Miche và Duclos cùng với 11 thầy giảng và 3 giáo dân bị bắt trên đường từ Phú Yên lên Tây Nguyên truyền giáo.

1854 - Giáp Dần:

Thánh Gioan Thêôphan Vénard (Ven), linh mục, sang Việt Nam phục vụ tại giáo phận Tây Đàng Ngoài. Chịu tử đạo ngày 02-02-1861 tại Cầu Giấy (Hà Nội).

– Thánh Giuse Nguyễn Văn Lựu, trùm họ, chịu tử đạo tại Vĩnh Long ngày 02-05.

– Ngày 18-09, vua Tự Đức ra chỉ dụ cấm đạo lần II rất gắt gao.

1866 - Bính Dần:

Tháng Chín, Đức cha Gautier (Hậu), giám mục Nam Đàng Ngoài và Nguyễn Trường Tộ được vua Tự Đức cử đi Pháp mời thầy dậy và mua trang thiết bị xây trường kỹ thuật.

– Thành lập Trường câm, điếc Lái Thiêu.

– Dòng Thánh Phaolô Thành Chartres mở Tập viện tại Sài Gòn.

1890 - Canh Dần:

Số tín hữu Công giáo tại Việt Nam là 708.000 người.

– Đúc quả chuông lớn ở Phương Đình (nhà thờ Phát Diệm, đang trong quá trình xây dựng quần thể kiến trúc nhà thờ, 1875 – 1899).

1902 - Nhâm Dần:

Thành lập giáo phận Thanh (gồm Phát Diệm và Thanh Hóa), tách từ giáo phận Tây Đàng Ngoài.

– Nhà in Kẻ Sở (Hà Nam, giáo phận Tây Đàng Ngoài) bắt đầu áp dụng hai kỹ thuật in, in chữ nôm và in chữ quốc ngữ.

1914 - Giáp Dần:

Xây dựng lại nhà thờ Hội An đã bị phá hủy vào năm 1884. Đây là địa điểm truyền giáo đầu tiên, từ 1615, của các giáo sĩ Francesco Buzomi, Diego Carvallho. Hiện giáo xứ Hội An (giáo phận Đà Nẵng) còn giữ nguyên vẹn khu mộ các nhà truyền giáo phương Tây.

1926 - Bính Dần:

Tổ chức Hướng đạo bắt đầu vào Việt Nam với đơn vị đầu tiên là Hướng đạo Công giáo, do các linh mục người Pháp thành lập tại trường trung học Albert Sarraut, Hà Nội.

– Linh Mục Jean Cassaigne (về sau làm giám mục giáo phận Sài Gòn) bắt đầu hướng hoạt động phục vụ vào việc chăm sóc các bệnh nhân phong ở Di Linh. Hai năm sau (1928) ngài thành lập trại phong Di Linh dành cho người Kơho.

1938 - Mậu Dần:

Tòa Thánh thiết lập giáo phận Vĩnh Long với giám mục tiên khởi là Đức cha Phêrô Ngô Đình Thục.

– Thành lập trại phong Dakkia ở Kontum.

1950 - Canh Dần:

Tòa Thánh bổ nhiệm ba tân giám mục: Đức cha Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (Bùi Chu), Giuse Maria Trịnh Như Khuê (Hà Nội) và Đa Minh Hoàng Văn Đoàn (Bắc Ninh).

1962 - Nhâm Dần:

Ngày 13 tháng 11, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn được Tòa Thánh tôn phong Vương cung Thánh đường.

1974 - Giáp Dần:

Tháng 10, Đức cha Trịnh Văn Căn, TGM phó Hà Nội, lần đầu tiên tham dự một Thượng Hội đồng tại Rôma (Thượng Hội đồng GM về Truyền giáo) và có dịp tiếp xúc với các giám mục miền Nam.

1986 - Bính Dần:

Đại Hội Hội đồng Giám mục Việt Nam lần III.

1998 - Mậu Dần:

Khai mạc năm Toàn xá kỷ niệm 200 năm Đức Mẹ La Vang (TGP Huế).

– 8 giám mục Việt Nam tham dự Thượng Hội đồng Giám mục Á Châu.

– Đức TGM Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được ĐTC Gioan Phaolô II bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình.

2010 - Canh Dần:

Năm Thánh kỷ niệm 350 năm thành lập hai giáo phận đầu tiên và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm tại Việt Nam.