Lời Mở Đầu – Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma Bản Dịch Mới

05/09/2019

Ngày 1 tháng 5 năm 2019, Đức cha Chủ tịch và Đức cha Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam đã ký sắc lệnh phê chuẩn bản dịch mới của Sách Lễ Rôma. Để chuẩn bị phát hành và sử dụng bản dịch (2019) này vào Mùa Vọng năm nay, Ủy ban Phụng tự trân trọng giới thiệu nội dung Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma. Chúng tôi sẽ trình đăng từng phần để giới thiệu đến quý vị.

QUY CHẾ TỔNG QUÁT 

SÁCH LỄ RÔMA 


LỜI MỞ ĐẦU

1.       Khi Chúa Kitô sắp cử hành bữa tối vượt qua với các môn đệ, trong đó, Người thiết lập hy lễ Mình và Máu Người, Người đã truyền phải sửa soạn một căn phòng rộng rãi, được trang bị đầy đủ (Lc 22,12). Hội Thánh luôn nghĩ rằng mệnh lệnh này cũng liên hệ đến mình, khi ấn định những điều giúp chuẩn bị tâm hồn, nơi chốn, nghi thức, bản văn liên quan đến việc cử hành Thánh Thể. Những quy tắc được ban hành thể theo ý muốn của Công đồng Vatican II, cũng như Sách lễ mới mà từ nay Hội Thánh theo Nghi lễ Rôma, sẽ dùng khi cử hành Thánh lễ, tất cả những điều đó lại một lần nữa cho thấy mối quan tâm, niềm tin và lòng mến không thay đổi của Hội Thánh đối với mầu nhiệm Thánh Thể cao cả; đồng thời, những yếu tố đó cũng làm chứng về truyền thống liên tục và vững bền của Hội Thánh, mặc dù có một số điều mới đã được thêm vào.

Chứng tích về một đức tin không thay đổi

2.      Bản chất hy tế của Thánh lễ đã được Công đồng Trentô long trọng xác quyết [1], phù hợp với truyền thống chung của Hội Thánh; nay một lần nữa được khẳng định lại trong Công đồng Vatican II, với những lời đầy ý nghĩa về Thánh Lễ  như sau: “Trong bữa tiệc ly, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập hy tế Tạ ơn bằng chính Mình và Máu Người, để nhờ đó hy tế thập giá được tiếp diễn qua các thời đại cho tới khi Người ngự đến, và đã ủy thác cho Hiền thê yêu quý của Người là Hội Thánh việc tưởng niệm sự chết và sự phục sinh của Người” [2]. Điều Công đồng dạy trên đây vẫn không ngừng được diễn tả trong các công thức của Thánh lễ. Thật vậy, Sách lễ xưa, thường được gọi là sách lễ của Đức Giáo hoàng Lêô, có nói rõ: “Mỗi lần cử hành việc tưởng niệm hiến lễ này, công trình cứu chuộc chúng ta lại được thực hiện” [3], giáo lý đó được diễn giải cách thích hợp và chính xác trong các Kinh nguyện Thánh Thể; vì trong các kinh này, khi cử hành nghi thức tưởng niệm, linh mục nhân danh toàn thể dân chúng hướng về Thiên Chúa, cảm tạ và dâng lên Ngài hy lễ sống động và thánh thiện, đó là hiến lễ và lễ hy tế của Hội Thánh được hiến tế theo ý Thiên Chúa để nhân loại được giao hòa với Ngài[4]; và linh mục cũng cầu xin để Mình và Máu Chúa Kitô trở nên hy lễ được Chúa Cha chấp nhận và sinh ơn cứu độ cho toàn thế giới[5].

Như thế, trong Sách lễ mới, qui luật cầu nguyện (lex orandi) của Hội Thánh phù hợp với qui luật ngàn đời của đức tin (lex credendi). Qui luật này dạy cho chúng ta biết hy lễ thập giá và việc tái diễn hy lễ đó cách bí tích trong Thánh lễ, đã được Chúa Kitô thiết lập trong bữa tiệc ly và truyền cho các Tông đồ phải làm để tưởng nhớ đến Người, cả hai chỉ là một, mặc dù cách thức hiến dâng có khác nhau. Do đó, Thánh lễ, vừa là hy lễ ngợi khen, tạ ơn, vừa là hy lễ xin ơn tha thứ và đền tội.

3.      Mầu nhiệm lạ lùng về sự hiện diện thực sự của Chúa dưới hình bánh và hình rượu, đã được Công đồng Vatican II [6], và các văn kiện khác của Huấn Quyền xác nhận [7], với cùng một ý nghĩa và bằng cùng một ngôn từ như đã được Công đồng Trentô [8] buộc phải tin. Trong khi cử hành Thánh lễ, mầu nhiệm ấy được công bố, không những với lời truyền phép qua đó Chúa Kitô hiện diện do việc biến đổi bản thể, mà còn qua tâm tình và thái độ hết sức cung kính, tôn thờ xứng hợp trong phụng vụ Thánh Thể. Chính vì thế, trong Thánh lễ  Tiệc ly vào thứ Năm Tuần Thánh và ngày lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa, dân Kitô giáo thường tỏ lòng tôn kính thật đặc biệt đối với Bí tích vô cùng kỳ diệu này.

4.      Bản tính của chức linh mục thừa tác thuộc riêng hàng Giám mục và linh mục, những người dâng hy lễ và chủ tọa cộng đoàn dân thánh với tư cách là hiện thân của Đức Kitô, được làm nổi bật trong chính hình thức của lễ nghi, vì linh mục có một vị trí và nhiệm vụ đặc biệt hơn. Những đặc điểm chính yếu của phận vụ này được công bố đồng thời cũng được giải thích rõ ràng và sâu rộng hơn trong kinh tiền tụng của Thánh lễ làm phép Dầu, ngày thứ Năm tuần Thánh, ngày kỷ niệm thiết lập chức linh mục. Lời kinh tiền tụng đó đề cập rõ ràng đến chức năng tư tế được trao ban qua việc đặt tay, và chức năng ấy, được diễn tả với từng phận vụ riêng biệt, chính là sự tiếp nối chức năng của Chúa Kitô, Vị Thượng Tế của Giao ước Mới.

5.      Cũng phải trân trọng và hiểu đúng ý nghĩa chức tư tế vương giả của các tín hữu, tự bản chất khác với chức linh mục thừa tác; chính nhờ thừa tác vụ của Giám mục và linh mục, hy lễ thiêng liêng của các tín hữu được liên kết với hy lễ của Chúa Kitô là Đấng Trung gian duy nhất [9]. Thật vậy, cử hành Thánh Thể là hành vi của toàn thể Hội Thánh, trong đó mỗi người chỉ làm và làm trọn vẹn phận sự được dành riêng tùy theo chức vị của mình trong đoàn dân Thiên Chúa. Bởi thế, phải chú trọng hơn đến một số khía cạnh của việc cử hành, đã có lúc không được lưu tâm đủ trong nhiều thế kỷ qua. Vì đoàn dân này là dân Thiên Chúa, được cứu chuộc bằng giá máu Đức Kitô, được Chúa quy tụ, được lời Chúa nuôi dưỡng, là dân được kêu gọi để dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện của toàn thể gia đình nhân loại, là đoàn dân hiệp lời tạ ơn trong Chúa Kitô về mầu nhiệm cứu độ, khi dâng hy lễ của chính Người, và sau cùng, là dân liên kết với nhau trong tình hợp nhất nhờ thông hiệp với Mình và Máu Đức Kitô. Đoàn dân này, từ nguồn gốc đã là dân thánh, nhưng nhờ tham dự vào mầu nhiệm Thánh Thể cách ý thức, tích cực và hữu hiệu, sẽ liên lỉ tiến tới trên đường thánh thiện [10].

Xác nhận một truyền thống liên tục

6.      Khi ban bố những huấn thị nhằm duyệt lại Nghi thức Thánh lễ, Công đồng Vatican II, ngoài những chỉ thị khác, cũng truyền phải phục hồi một số lễ nghi, “dựa theo quy tắc cổ kính thời các thánh Giáo phụ” [11], đây chính là những lời thánh Piô V đã ghi trong Tông hiến Quo primum, khi công bố sách lễ của Công đồng Trentô năm 1570. Vì có sự trùng hợp về ngôn từ, nên ta có thể nhận thấy lý do tại sao hai Sách lễ Rôma, dù cách nhau bốn thế kỷ, vẫn theo cùng một truyền thống như nhau. Nếu cân nhắc các yếu tố nội tại của truyền thống này, chúng ta cũng thấy Sách lễ mới bổ túc cho Sách lễ cũ cách tinh tế và thích hợp.

7.      Vào thời điểm xảy ra những nguy cơ tác hại cho đức tin Công giáo liên quan tới bản chất hy tế của Thánh lễ, chức linh mục thừa tác, sự hiện diện thực sự và thường hằng của Đức Kitô dưới hình bánh rượu, mối bận tâm đầu tiên của thánh Piô V là bảo tồn truyền thống vừa mới hình thành nhưng đang bị tấn công dữ dội, nên Ngài chỉ cho thay đổi rất ít trong lễ nghi thánh. Thật vậy, Sách lễ năm 1570 không khác nhiều so với Sách lễ in đầu tiên năm 1474, và Sách lễ này lại trung thành theo Sách lễ thời Đức Giáo Hoàng Innôcentiô III. Ngoài ra, các thủ bản trong Thư viện Vatican, mặc dù có cung cấp một số tài liệu giúp điều chỉnh văn bản, nhưng việc nghiên cứu “các tác giả cổ đại và có uy tín” vẫn bị hạn chế trong các bản chú giải về phụng vụ thời Trung cổ.

8.      Trái lại, ngày nay, các “quy tắc cổ kính thời các thánh Giáo phụ” mà những người hiệu đính Sách lễ của thánh Piô V tuân theo, đã phong phú hơn nhiều với vô số văn bản của các học giả. Thật vậy, sau khi Sách cử hành bí tích Grêgôrianô được xuất bản lần đầu năm 1571, các Sách cử hành bí tích cổ xưa của Phụng vụ Rôma và Ambrôsianô cũng được phát hành với những ấn bản được nghiên cứu cẩn thận, cả những sách phụng vụ cổ của nghi lễ Tây Ban Nha và Pháp, chứa đựng những kinh nguyện mang nhiều giá trị thiêng liêng, cho tới bấy giờ vẫn chưa được biết đến, nay cũng được phổ biến rộng rãi..

  Cũng vậy, ngày nay, việc khám phá thêm nhiều văn kiện phụng vụ đã soi sáng rõ hơn về những truyền thống của các thế kỷ đầu, đã có trước khi nghi lễ Đông và Tây phương được hình thành.

  Ngoài ra, những nghiên cứu tường tận về các Giáo phụ đã giúp cho nền thần học về mầu nhiệm Thánh Thể trở nên sâu sắc hơn, nhờ được soi sáng bởi giáo lý của các Giáo phụ nổi danh thời Kitô giáo xa xưa, như thánh Irênê, Ambrôsiô, Cyrilô thành Giêrusalem và Gioan Kim Khẩu.

9.      Vì thế, “quy tắc cổ kính thời các thánh Giáo phụ” không chỉ đòi hỏi phải bảo tồn những gì do bậc cha ông kế cận chúng ta truyền lại, nhưng còn phải tìm hiểu và cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các giai đoạn quá khứ của Hội Thánh, tất cả các thể thức tuyên xưng đức tin duy nhất của Hội Thánh qua những cách thức phụng tự đa dạng của cá nhân và cộng đoàn, được thực hành tại các miền đất của người Sêmít, người Hy Lạp, và người Latinh. Chính tầm nhìn bao quát này giúp chúng ta nhận thấy Chúa Thánh Thần đã ban cho dân Chúa sự trung tín lạ lùng trong việc bảo toàn kho tàng đức tin trường cửu, trong khi vẫn có nhiều kinh nguyện và nghi lễ thật khác biệt nhau.

Thích ứng với những điều kiện mới

10.    Như thế, Sách lễ mới, vừa làm chứng cho luật cầu nguyện của Hội Thánh Rôma và bảo vệ kho tàng đức tin do các Công đồng gần đây truyền lại, vừa đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong truyền thống phụng vụ.

Vì khi nhắc lại những xác quyết về tín lý của Công đồng Trentô, các Nghị phụ Công đồng Vatican II đã lên tiếng trong một thời đại khác xa với trước; nên trong lĩnh vực mục vụ, các ngài có thể đưa ra những đề nghị và những lời khuyên mà trước đó bốn thế kỷ, không ai có thể nghĩ đến.

11.    Công đồng Trentô đã nhận thấy việc cử hành Thánh lễ có lợi ích lớn lao về phương diện giáo lý, nhưng chưa thể tổng hợp tất cả hệ quả để đưa vào cuộc sống. Thật vậy, có nhiều người đã xin Công đồng cho phép dùng tiếng bản xứ khi cử hành hy lễ Thánh Thể. Nhưng trước lời thỉnh cầu này, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, Công đồng cho rằng nhiệm vụ của Công đồng là phải nhấn mạnh lại giáo lý truyền thống của Hội Thánh, theo đó, hy lễ Thánh Thể, trước hết là hành động của chính Chúa Kitô, nên hiệu năng riêng của hành động này không bị ảnh hưởng do cung cách tham dự của các tín hữu. Vì thế Công đồng đã xác quyết bằng những lời vừa mạnh mẽ vừa đắn đo như sau: “Mặc dầu Thánh lễ hàm chứa những giáo huấn phong phú cho cộng đoàn tín hữu, nhưng các Nghị phụ nhận thấy việc tùy tiện cử hành Thánh lễ bằng tiếng bản xứ thì không thuận lợi” [12]. Và Công đồng đã lên án kẻ nào cho rằng: “nghi lễ Hội Thánh Rôma dạy đọc nhỏ tiếng phần Lễ Qui và lời truyền phép, là sai; hoặc: phải cử hành Thánh lễ bằng tiếng bản xứ mà thôi” [13]. Tuy nhiên, dù Công đồng cấm dùng tiếng bản xứ trong Thánh lễ, nhưng lại truyền cho các mục tử phải dùng lời giáo huấn thích hợp để thay thế: “Để đoàn chiên Đức Kitô khỏi phải đói khát… Công đồng truyền cho các mục tử và tất cả những ai có trách nhiệm coi sóc các linh hồn, khi cử hành Thánh lễ, nhất là trong các Chúa nhật và lễ trọng, phải tự mình, hoặc nhờ người khác, thường xuyên trình bày một vài điểm từ các bài đọc trong Thánh lễ, phải giải thích về mầu nhiệm của hy lễ rất thánh này, cũng như các mầu nhiệm khác” [14].

12.    Công đồng Vatican II, đã được triệu tập để giúp cho Hội Thánh thích nghi với các nhu cầu của nhiệm vụ tông đồ trong thời đại ngày nay. Cũng như Công đồng Trentô, Công đồng này đã nghiên cứu thấu đáo tính chất giáo huấn và mục vụ của Phụng vụ thánh [15]. Vì không một người Công giáo nào phủ nhận tính cách hợp pháp và hữu hiệu của nghi lễ thánh được cử hành bằng tiếng Latinh, nên Công đồng cũng có thể công nhận rằng: “Việc dùng ngôn ngữ bản địa thường có thể đem lại nhiều lợi ích cho dân chúng”, và đã cho phép dùng tiếng bản xứ [16]. Quyết định trên đây đã được nồng nhiệt đón nhận khắp nơi, và dưới sự hướng dẫn của các giám mục và của chính Tông Tòa, tất cả các cử hành phụng vụ có giáo dân tham dự đều được phép sử dụng tiếng bản xứ, để mọi người am hiểu đầy đủ hơn về mầu nhiệm đang được cử hành.

13.    Tuy nhiên, vì việc dùng tiếng bản xứ trong Phụng vụ thánh chỉ là một phương tiện, dù rất quan trọng để trình bày rõ ràng hơn giáo huấn về mầu nhiệm chứa đựng trong việc cử hành, nên Công đồng Vatican II còn nhắn nhủ phải thực thi một số chỉ thị của Công đồng Trentô, mà một số nơi đã không tuân giữ, như phải giảng trong các Chúa nhật và lễ trọng [17], và được phép nói ít lời hướng dẫn khi cử hành các nghi lễ thánh [18].

Công đồng Vatican II còn nhấn mạnh: “Phải khuyến khích các tín hữu tham dự Thánh lễ cách trọn vẹn hơn, bằng cách, sau khi linh mục hiệp lễ, họ cũng lãnh nhận Mình Thánh Chúa trong cùng Thánh lễ đó” [19]. Công đồng cũng muốn thực hiện một ước nguyện khác của các Nghị phụ Công đồng Trentô, đó là để tham dự cách trọn vẹn mầu nhiệm Thánh Thể, “trong mỗi Thánh lễ, các tín hữu không chỉ tham dự bằng tâm tình thiêng liêng, mà còn bằng việc lãnh bí tích Thánh Thể” [20].

14.    Được thúc đẩy bởi cùng một tinh thần và nhiệt tâm mục vụ, Công đồng Vatican II đã có thể đưa ra định hướng mới liên quan đến quyết định của Công đồng Trentô về việc hiệp lễ  dưới hai hình. Thật vậy, ngày nay, không còn ai nghi ngờ những nguyên tắc giáo lý về hiệu lực rất đầy đủ của việc hiệp lễ  dưới một hình bánh, nên Công đồng đã cho phép đôi khi được hiệp lễ  dưới hai hình, để qua hình thức rõ ràng hơn của dấu chỉ bí tích, giáo dân có được điều kiện thuận lợi đặc biệt để hiểu sâu xa hơn về mầu nhiệm họ đang tham dự [21].

15.    Theo tinh thần đó, trung thành với phận vụ là thầy dạy chân lý, Hội Thánh vừa gìn giữ những điều “cũ”, nghĩa là kho tàng truyền thống, vừa chu toàn bổn phận xem xét và khôn ngoan sử dụng những điều “mới” (Mt 13,52).

Quả thế, một phần Sách lễ mới hướng các kinh nguyện của Hội Thánh về những nhu cầu của thời đại chúng ta cách rộng rãi hơn; đặc biệt là các lễ có nghi thức riêng và các lễ “cho những nhu cầu khác nhau”, trong đó, truyền thống và cái mới được kết hợp với nhau cách hài hòa. Bởi thế, trong khi vẫn duy trì nguyên vẹn nhiều kiểu nói, nhận lấy từ truyền thống rất xa xưa của Hội Thánh, đã có trong Sách lễ Rôma từng được xuất bản nhiều lần, nhiều kiểu nói khác được thích nghi với những đòi hỏi và hoàn cảnh của thời nay. Bên cạnh đó, có những cách diễn đạt, như các lời nguyện cầu cho Hội Thánh, cho giáo dân, cho việc thánh hóa lao động, cho cộng đoàn các dân tộc, cho một số nhu cầu riêng của thời đại chúng ta, hoàn toàn được sáng tác theo tư tưởng, và nhiều khi theo chính những cách diễn đạt trong các văn kiện gần đây của Công đồng.

Cũng vì ý thức về tình trạng mới của thế giới ngày nay, nên khi sử dụng những bản văn cổ truyền, có lẽ không làm tổn thương gì đến kho tàng khả kính nếu có thay đổi một vài câu, để lời văn thích hợp hơn với ngôn ngữ thần học ngày nay, và cũng thực sự phù hợp với kỷ luật hiện hành của Hội Thánh. Do đó đã thay đổi một số câu liên quan đến việc đánh giá và sử dụng của cải trần gian, và một số câu trình bày dạng thức bày tỏ lòng sám hối, thuộc những thời đại khác của Hội Thánh.

Như thế, những quy tắc phụng vụ của Công đồng Trentô đã được bổ túc và kiện toàn trong nhiều điểm nhờ những quy tắc của Công đồng Vatican II, một Công đồng đã thành công trong nỗ lực đưa các tín hữu tới gần phụng vụ hơn, những nỗ lực đã được thực hiện suốt bốn thế kỷ nay, đặc biệt trong thời đại gần đây, nhất là nhờ việc nghiên cứu phụng vụ do thánh Piô X và các Đấng kế vị ngài cổ võ.

 Nguồn : Ủy ban Phụng tự - Trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam

[1] Cđ. Trentô, khóa 22, ngày 17.09.1562: Denz.-Schönm. 1738-1759.

[2] Cđ. Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 47; x. Hiến chế tín lý về Giáo Hội, Lumen Gentium, các số 3, 28; Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum Ordinis, các số 2, 4, 5.

[3] Thánh lễ chiều kỷ niệm bữa Tiệc ly của Chúa, lời nguyện tiến lễ, x. Sách lễ Vêronensê, ed. L.C. Mohlberg, số 93.

 [4] x. Kinh nguyện Thánh Thể III.

 [5] x. Kinh nguyện Thánh Thể IV.

 [6] Cđ. Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium,  các số 7, 47; Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum Ordinis, các số 5, 18.

 [7] x. Piô XII, Thông điệp Humani Generis, ngày 12.08.1950: AAS. số 42 (1950) tr. 570-571; Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei, ngày 03.09.1965: AAS. số 57 (1965) tr. 762-769; Bản long trọng tuyên xưng đức tin, ngày 30.06.1968, các số 24-26: AAS. số 60 (1968) tr. 442-443; Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Eucharisticum Mysterium, ngày 25.03.1967, các số 3f, 9: AAS. số 59 (1967) tr. 543, 547.

 [8] Cđ. Trentô, khóa 13, ngày 11.10.1551; DS.: 1635-1661.

 [9] x. Cđ. Vatican II, Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục, Presbyterorum Ordinis, số 2.

 [10] x. Cđ. Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 11.

 [11] Sđd., số 50.

 [12] Cđ. Trentô, khóa 22, Đạo lý về Thánh lễ, chương 8: DS 1749.

 [13] Sđd., chương 9, DS 1759.

 [14] Sđd., chương 8, DS 1749.

 [15] Cđ. Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 33

 [16] Sđd., số 36.

 [17] Sđd., số 52.

 [18] Sđd., số 35,3.

 [19] Sđd., số 55.

 [20] Cđ. Trentô, khóa 22, Đạo lý về Thánh lễ, chương 6, DS 1747.

 [21] x. Cđ. Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh, Sacrosanctum Concilium, số 55. 

LỊCH PHỤNG VỤ