Kỷ niệm 204 năm ngày Dòng Tên được tái lập (07/08/1814), tại sao Dòng bị giải thể?

09/08/2018

Kỷ niệm 204 năm ngày Dòng Tên được tái lập (07/08/1814), tại sao Dòng bị giải thể?

Theo Ignacio Echaniz, S.J., tác giả cuốn “Passion and Glory”, Dòng Tên đã trải qua hai mùa xuân – hạ rực rỡ với sự phát triển lớn mạnh không ngừng. 233 năm (1540 – 1773), Dòng đã đạt đến con số 23000 thành viên[1] và vô vàn những thành tựu lớn nhỏ rải đều trên khắp các phương diện như giáo dục, truyền giáo, suy tư thần học… Nhưng từ năm 1773, Dòng rơi vào một mùa đông ảm đạm và tan thương, một mùa đông dài 41 năm (1773 – 1814) khi Dòng “được” giải thể bởi chính Mẹ Giáo Hội. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến điều này?

Một trong những nguyên nhân sâu xa khiến Dòng bị giải thể là những chống đối trên bình diện tư tưởng mà chủ yếu là não trạng duy lý của châu Âu lúc bấy giờ. Bắt nguồn từ René Descartes, người khởi xướng với tác phẩm Phương Pháp Luận (Discourse on the Method of Rightly Conducting Reason) năm 1637. Thêm vào đó là phát minh khoa học thực nghiệm của Isaac Newton giữa thế kỷ 17. Dần dà, Dòng thích nghi và ứng dụng những học thuyết và phát minh mới mẻ đó vào chương trình giảng dạy của mình.[2] Thay vì thái độ duy tín hay duy siêu nhiên, Dòng giảng dạy một thứ nhân bản đề cao lý trí tự nhiên. Khi vượt quá giới hạn, thái độ này trở thành não trạng duy lý. Đây sẽ là cớ cho những kẻ thù ghét Dòng chống đối về sau. Không những trong nội bộ Dòng, não trạng duy lý còn khai sinh nhiều học thuyết khắp Châu Âu. Tiêu biểu như thuyết duy nghiệm ở Anh của Francis Bacon, chủ nghĩa tự do dẫn đến việc bài tôn giáo ở Pháp với Diderot, Voltaire và Montesquieu… những người muốn giải phóng lý trí con người khỏi sự kìm kẹp của tôn giáo, ở đây là Kitô giáo. Thêm vào đó là trào lưu triết học ánh sáng phát xuất từ Đức, có Leibniztz với chủ nghĩa duy lý và nhiên thần, phủ nhận mọi mặc khải siêu nhiên, xây dựng tôn giáo trên lý trí con người.[3] Có thể nói não trạng duy lý, hay còn gọi là trào lưu ánh sáng của kỷ nguyên lý trí đã âm ỉ khắp Châu Âu từ giữa thế kỷ 17 đến thế kỷ 18, muốn tấn công đức tin truyền thống và coi Dòng như mục tiêu đầu tiên cần tiêu diệt. Với sự phát triển nhảy vọt và quá nhanh về tư tưởng của xã hội bấy giờ, Dòng Tên thiếu tài, thiếu lực, không thể bắt kịp trong việc đương đầu và chống trả, nhằm bảo vệ Giáo Hội cũng như bảo vệ chính Dòng.[4]

Ngoài não trạng duy lý, Dòng còn là mục tiêu cần phải đạp đổ của những lạc thuyết trong Giáo Hội. Từ khi thành lập, Dòng Tên luôn trung thành với Giáo Hội trong việc bảo vệ và truyền bá đức tin chính thống. Dòng đứng ra tranh luận và hết sức chống lại những tư tưởng lầm lạc xuất hiện trong Giáo Hội. Thế nên việc Dòng trở thành tấm bia đỡ đạn là điều không thể tránh khỏi. Trong số những lạc thuyết đó phải kể đến chủ thuyết Jansen. Những người ủng hộ lạc thuyết này, tiêu biểu như Antoine Arnauld, Pascal và Quesnel đã phản kháng Tòa Thánh và sinh lòng thù ghét đối với Dòng Tên. Lạc thuyết thứ hai ảnh hưởng không ít là chủ thuyết Giáo hội Pháp tự trị, muốn có cả thế quyền lẫn thần quyền trên Giáo Hội Pháp. Dòng Tên đã luôn bênh vực sự hiệp nhất của Giáo Hội nên mặc nhiên bị nhiều nhà chính trị Châu Âu lây nhiễm chủ trương Pháp giáo coi là thù nghịch.[5] Chính những sự thù ghét này cũng là nguyên nhân gây ra sức ép chính trị của các nước châu Âu lên Tòa Thánh, buộc phải giải thể Dòng sau này.

Nguyên nhân thứ hai dẫn đến việc giải thể Dòng Tên là sự giải thể từng phần trên các nước Châu Âu. Việc giải thể diễn ra theo trình tự bốn giai đoạn tách biệt nhưng với cùng một động cơ đã gây nên hiệu ứng dây chuyền […]. Đó là “thành quả” của nhiều con người: các vua và thủ tướng, các giáo hoàng và giáo sĩ […], và còn do một người phụ nữ tên Madame Pompadour.[6] Trình tự diễn tiến bốn giai đoạn: Thứ nhất là ở Lisbon, Bồ Đào Nha năm 1759 với nguyên nhân chủ chốt thuộc về thủ tướng Pombal, một người có tài quản trị, có năng lực nhưng cứng rắn và thậm chí tàn nhẫn[7], là người ủng hộ chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa quốc gia, bài giáo sĩ.[8] Chính ông đã tác động lên vua José I dẫn đến việc giải thể Dòng tại đây. Giai đoạn hai diễn ra ở Paris, Pháp năm 1762 với nguyên nhân chính đến từ nghị viện Paris và bà hầu tước Pompadour. Hai mối âm mưu phá hoại Dòng ở Pháp là những kẻ theo chủ thuyết Jansen và những nhà học thuyết của thời đại khai sáng mà Voltaire đã ví von: “làm sao thoát khỏi bầy cáo nếu tôi (Giê-su hữu) bị ném vào giữa bầy sói?”[9] Khởi đi từ vụ án của Lavalette khiến Dòng phải lãnh sự trả đũa về dân sự của nghị viện, Pompadour – người theo chủ thuyết Jansen đã lợi dụng thời cơ để tấn công Dòng. Tiếp đó là một cuộc “tàn sát” về giáo thuyết của Dòng do nghị viện Paris khởi xướng.[10] Cuối cùng, dưới áp lực của thủ tướng Choiseul và bà hầu tước Pompadour, vua Louis XV quyết định giải thể Dòng tại Pháp. Giai đoạn ba diễn ra ở Madrid, Tây Ban Nha năm 1767 do tác động chính yếu của thủ tướng Aranda đối với vua Carlos III. Dòng cũng đã bị giải thể ở những thuộc quốc Hai Sicilia, công quốc Parma và Piacenza. Có thể nói những bước “chết từng phần” của Dòng ở ba vương quốc được kể trên đây vừa là dấu hiệu, vừa là sự hủy hoại từ từ lan đến toàn thân Dòng. Một thân thể mất dần các chi thể quan trọng sẽ yếu dần đi, và cái chết chỉ còn là vấn đề thời gian.

Giai đoạn bốn diễn ra ở Roma, Ý, năm 1773 cũng là lúc và là nơi hàm chứa nguyên nhân trực tiếp của việc Dòng bị giải thể. Đó là sức ép chính trị mà các nước châu Âu dưới quyền trị vì của các vị vua dòng họ Bourbon tác động lên Tòa Thánh. Các cường quốc dùng chiêu bài “hoặc nó, hoặc tôi” để gây áp lực cho Tòa Thánh. Dòng Tên và các quốc gia này, chỉ một trong hai tồn tại theo nghĩa thuộc về Giáo Hội. Có thể thấy rằng đây chỉ là bước một trong tiến trình giải thoát khỏi Giáo Hội của các nước chịu ảnh hưởng của trào lưu ánh sáng, những con người khao khát tự do. Nếu Dòng Tên,  “con chó giữ nhà” hay “tấm bia chống đạn” cho Giáo Hội bị hủy diệt, thì trước sau chính Giáo Hội cũng tiêu tùng. Như Voltaire đã nói: “Tiêu diệt được Dòng Tên là tiêu diệt được Giáo Hội.”[11] Tuy nhiên, việc Dòng bị giải thể, trực tiếp nhất vẫn là do Tòa Thánh, cụ thể là mật viện và Đức Thánh Cha Clêmentê XIV. Ở đây không xét đến tính chất đúng sai, chỉ xét đến tính trực tiếp tuyệt đối của sự việc. Vì không ai ngoài Giáo Hội có thể giải thể Dòng toàn diện, vì Dòng là con cái Giáo Hội và Dòng chỉ tùng phục một mình Giáo Hội mà thôi.

Thật khó để trả lời câu hỏi đâu là nguyên nhân chính yếu nhất khiến Dòng bị giải thể. Vì dường như tất cả nguyên nhân được sắp xếp theo một tiến trình tiệm tiến và móc nối với nhau. Nguyên nhân sâu xa (gốc rễ) – não trạng duy lý của trào lưu ánh sáng và những lạc thuyết dẫn đến nguyên nhân gián tiếp – việc giải thể từng phần dưới ảnh hưởng của các nhà tư tưởng mới. Theo sau nguyên nhân gián tiếp là nguyên nhân trực tiếp – sức ép các cường quốc tác động lên Tòa Thánh, và nguyên nhân trực tiếp nhất – Tòa Thánh quyết định giải thể Dòng như một bước tất yếu cuối cùng. Câu trả lời cho câu hỏi trên có lẽ không nằm trong số những nguyên nhân diễn tiến của sự việc. Nguyên nhân chính yếu nhất có lẽ đến từ chính sứ mạng của Dòng. Sứ mạng tiên phong “bảo vệ và truyền bá đức tin”[12] sẽ vấp phải chống đối và hủy diệt từ những gì và những ai đi ngược với đức tin truyền thống, những kẻ đang khao khát tự do muốn thoát khỏi Giáo Hội. Dòng mang tước hiệu Giê-su, nhờ đó Dòng cũng diễm phúc được như Giê-su. Vì sao Giê-su bị chống đối và nhận án tử? Vì con người không đón nhận Giê-su và đường lối Ngài mặc khải. Qua biến cố “được” giải thể, Dòng đã thực sự nên một với Đấng mình mang tên theo một nghĩa chặt nhất.

 

Jos. Nguyễn Minh Vương

Nguồn: dongten.net

[1] cf. Hoàng Sóc Sơn, S.J., Dòng Tên Sử Lược, p. 177.

[2] cf. William V. Bangert, S.J., A History of The Society of Jesus (Missouri, USA: Institute of Jesuit Sources, Fusz Memorial, St. Louis University, 1986), pp. 180 – 181.

[3] cf. Hoàng Sóc Sơn, S.J., op.cit, pp. 155 – 157.

[4] cf. William V. Bangert, S.J., op.cit, p. 361.

[5] cf. Hoàng Sóc Sơn, S.J., op.cit, p. 163.

[6] cf. Ignacio Echaniz, S.J., Passion and Glory (Anand, Gujarat, India: Gujarat Sahitya Prakash, 1999), p. 97

[7] Ibid., p. 99.

[8] Hoàng Sóc Sơn, S.J., op.cit, p. 164.

[9] Ignacio Echaniz, S.J., op.cit., p. 120.

[10] Hoàng Sóc Sơn, S.J., op.cit, p. 168.

[11] Hoàng Sóc Sơn, S.J., op.cit, p. 163.

[12] Hiến Chương Dòng Tên, Định Thức Thể Chế số 1

LỊCH PHỤNG VỤ