THÁI BÌNH – Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Đệ SDB chủ trì Hội nghị Thường huấn về vai trò, nhiệm vụ, phương pháp tổ chức điều hành lãnh đạo của các Hội đồng Mục vụ các giáo xứ, giáo họ tại Giáo phận Thái Bình diễn ra buổi sáng 28/6/2018 tại Toà Giám mục Thái Bình.

Từ gần 10 năm qua, đã trở thành truyền thống, năm nào Đức Giám mục giáo phận cũng tổ chức Hội nghị Thường huấn Hội đồng Mục vụ các giáo xứ, giáo họ trên quy mô cấp Giáo phận. Hội nghị Thường huấn năm nay được tổ chức sau một năm Đức cha đặt tay trao Văn thư bổ nhiệm cho Hội đồng Mục vụ của 108 Giáo xứ và 365 Giáo họ từ ngày 29/6 năm trước.

Từ 6 giờ 30, ngày 28/6/2018, Ban Hội đồng Mục vụ 108 giáo xứ và 365 giáo họ thuộc hai miền Thái Bình - Hưng Yên đã tập trung ghi danh với Ban Tổ chức của Giáo phận.

Đúng 7 giờ 30 phút, 780 viên chức cùng một số quý cha đã có mặt chỉnh tề trong Thánh đường Nhà Thờ Chính tòa, Hội nghị Thường huấn được bắt đầu. Trong lời khai mạc, Đức cha Phêrô đã nêu mục đích, ý nghĩa của Hội nghị hôm nay. Chúng ta quy tụ nhau nơi đây là để tạ ơn Chúa về biết bao phúc lành Chúa đã thương ban cho Giáo phận, dâng lên Chúa những gánh nặng, những vất vả của những người làm vườn nho của Chúa. Chia sẻ, trao đổi và lắng nghe những trải nghiệm, những thành công hay thất bại trong quá trình cộng tác của các viên chức, nhằm canh tân, cải tiến những gì còn lạc hậu, trì trệ nhằm giúp cho các giáo xứ - giáo họ được cập nhật, đồng hành với những định hướng của Giáo hội hoàn vũ cũng như Giáo hội Việt Nam trong giai đoạn Tân Phúc Âm hóa, quan tâm và ưu tư hơn cho những vùng ngoại biên.

Sau phần khai mạc, Đức cha Phêrô đã dành thời gian giải đáp các thắc mắc của các viên chức Hội đồng Mục vụ các giáo xứ - giáo họ. Những ưu tư, thắc mắc tập trung ở một số vấn đề sau:

1.Về việc xây dựng, kiến thiết hay tu sửa nhà thờ, nhà xứ không theo một quy hoạch tổng thể, không có chiến lược lâu dài, xây dựng tự phát, nặng tính chủ quan cá nhân, làm phá vỡ mặt bằng tổng thể, lãng phí tài sản của giáo xứ - giáo họ.

Vấn đề này, Đức cha Phêrô nhìn nhận là một vấn đề lâu dài và còn nhiều bất cập. Khi muốn xây dựng và sửa chữa, cha xứ và Hội đồng Mục vụ các giáo xứ - giáo họ phải thống nhất kế hoạch xây dựng trên cơ sở định hướng Ban Xây dựng của Giáo phận và chuyên viên, kỹ sư thiết kế. Đặc biệt, Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cần có tầm nhìn chiến lược cho quy hoạch tổng thể của khuôn viên nhà thờ, nhà xứ. Đồng thời phải được sự cho phép của Đức cha Giáo phận. Một thực tế cho thấy, vẫn còn tồn tại tình trạng lệ thuộc kinh tế, tài chính của ân nhân mà quy hoạch cũng như mỹ quan xây dựng của giáo xứ - giáo họ bị ảnh hưởng.

2.Về vấn đề Hôn nhân: Tòa án Hôn phối của Giáo phận đã được thành lập hay chưa? Tòa án hoạt động như thế nào trong những ngăn trở về Hôn phối đang diễn ra?

Đức cha Phêrô đã trả lời: Không chỉ Giáo phận Thái Bình mà nhiều giáo phận khác cũng đã thành lập Tòa án Hôn phối và các giáo phận đã có sự liên kết để giải quyết các nố hôn phối. Tuy nhiên, thường thì Tòa án Hôn phối có trách nhiệm điều tra sự tồn tại của những ngăn trở khiến hiệu quả của Bí tích Hôn phối bất thành. Nhưng có thể khẳng định rằng, có đến 99% các cuộc hôn nhân không tìm được các bằng chứng, là giả. Và cứ chuẩn theo các thủ tục, giấy tờ thì không có cách nào tháo gỡ hay tiêu hôn được.

3.Về vấn đề dạy Giáo lý trong đó có Giáo lý Hôn nhân: Có ý kiến cho rằng, Giáo phận chưa có lộ trình thống nhất cho việc dạy Giáo lý; không biết cần dạy theo tài liệu nào, thời gian bao lâu...

Đây là vấn đề Đức cha rất quan tâm. Ngài đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, đến việc dạy và học giáo lý. Phương pháp giáo dục dự phòng là ưu tư không nhỏ mà Đức cha hướng tới người trẻ từ nhiều năm nay. Đức cha khẳng định: Chỉ có một Giáo lý duy nhất, đó là Giáo lý Hội thánh Công giáo. Lộ trình giảng dạy và những tài liệu căn bản về Giáo lý đã được Ban Giáo lý Giáo phận thống nhất và gửi đến từng giáo xứ. Những người chưa biết cần tìm hiểu kỹ và dành thời gian học hỏi qua các tài liệu đã phổ biến, qua mạng lưới giáo phận... (giaophanthaibinh.org).

4.Về vấn đề Truyền thông: Có ý kiến cho rằng, hiện tượng tự nhân danh một tổ chức, một đơn vị trong Giáo hội để làm truyền thông có được phép không?

Đức cha trả lời: Chúng ta không thể cấm bất kỳ một ai trong việc họ đưa thông tin cá nhân của họ lên mạng xã hội, và có một lời khuyên: nên hạn chế những thông tin không cần thiết, cần khôn ngoan khi sử dụng mạng xã hội. Nhưng không ai được lấy danh nghĩa của giáo xứ, giáo họ để đưa thông tin nếu tập thể không trao trách nhiệm cho người đó.

5.Về cách sử dụng chuông, loa đài, kèn trống trong các hoạt động của giáo xứ: Đức cha nhắc nhở các giáo xứ - giáo họ cần sử dụng đúng vai trò và phát huy hiệu quả của các phương tiện, thiết bị như loa đài, tăng âm, chuông, kèn, trống trong Phụng vụ. Một chiếc loa mở quá to, chuông giật quá lâu đến dai dẳng …gây sự khó chịu làm ảnh hưởng đến những người dân xung quanh thì chẳng những không mang ơn ích gì mà còn tổn hại đến Danh Chúa. Nhân vấn đề này, Đức cha liên hệ đến những dịp chầu lượt, các giáo xứ - giáo họ không nên chỉ coi trọng rước phách linh đình mà không chú ý đến chiều sâu tâm linh của việc sám hối, ăn năn, đền tội cá nhân, gia đình, cộng đoàn.

6.Về vấn đề đưa xác vào nhà thờ: Mặc dù có quy định xác người chết cần đưa vào nhà thờ để được linh mục dâng lễ cầu nguyện cho họ vì đức tin của người Công giáo là "Tôi tin xác loài người ngay sau sống lại"; nhưng điều này hoàn toàn không bắt buộc đối với một số người, một số gia đình, dòng tộc… có thể họ không tin hay không muốn bị ảnh hưởng vì những ràng buộc ngoài xã hội. Vậy chúng ta phải tôn trọng tự do của họ. Và còn vấn đề những người chết bị bệnh dịch có thể làm ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng thì càng không nên.

Đức cha cũng nhắc nhở hiện nay chưa có nơi nào mà chính quyền địa phương gây cản trở trong việc người Công giáo đưa xác người chết vào nhà thờ cầu nguyện. Vậy nếu có, xin báo về Tòa Giám mục ngay, để Bề trên giáo phận sẽ có những tương quan cần thiết với chính quyền nơi đó.

7.Một vài ý kiến xin Đức cha tăng cường thêm các khóa huấn luyện, bồi dưỡng về năng lực lãnh đạo, điều hành cho các thành viên Hội đồng giáo xứ - giáo họ được Đức cha rất hoan nghênh và ngài hứa sẽ mở lớp bồi dưỡng cho Hội đồng giáo xứ - giáo họ sớm nhất trong tháng 8 tới…

Do thời gian có hạn, Đức cha Phêrô đúc kết lại những vấn đề đã thảo luận và giới thiệu khá chi tiết về cuốn tài liệu "Đường hướng Mục vụ". Tài liệu này sẽ được phát tới các thành viên Hội đồng giáo xứ - giáo họ để các viên chức học hỏi, thực hiện.

Sau giờ nghỉ giải lao, từ 9 giờ 45 đến 11 giờ, cha Tổng đại diện Fr. Ass Nguyễn Tiến Tám và cha Giuse Trịnh Tiến Thành, Giám đốc Nhà Chung có phần hướng dẫn về vai trò, nhiệm vụ của từng thành viên Hội đồng trong việc điều phối, cộng tác với cha xứ cùng các đoàn thể để hoàn thành sứ vụ của mình.

Cuộc thảo luận được kết thúc lúc 11 giờ trước khi bước vào Thánh lễ.

Đồng tế Thánh lễ với Đức cha Phêrô, có cha Tổng Đại diện giáo phận; cha đại diện Đức Giám mục miền Hưng Yên, quý cha Hạt trưởng, quý cha Tòa Giám mục và quý cha trong giáo phận. Trước khi bước vào Thánh lễ, cha Tổng  Đại diện thay mặt linh mục đoàn chúc mừng Ngày lễ Bổn mạng của Đức cha Phêrô - Vị chủ chăn nhân hiền của đoàn chiên hai miền Thái Bình - Hưng Yên. Chủ tịch Hội đồng Mục vụ giáo phận dâng lẵng hoa tươi thắm chúc mừng Đức cha. Bề trên giáo phận cũng ân cần chia sẻ niềm vui mừng ngày lễ Bổn mạng với các viên chức toàn Giáo phận trong ngày lễ kính Thánh Quan thầy. Ca đoàn vang lên bài Ca nhập lễ ngợi ca uy hùng hai Đấng Tông đồ trụ cột của Hội thánh.

Chia sẻ trong Thánh lễ, Đức cha Phêrô đã khởi đi từ dụ ngôn "Người làm vườn nho" để nhắc lại câu hỏi Chúa Giêsu dành cho môn đệ yêu dấu của Người:

- Phêrô (Giacôbê, Maria…), con có yêu mến Thầy không?

Sự thúc bách vì lòng yêu mến hẳn sẽ giúp các miêu duệ hai Đấng Tông đồ trụ cột xưa biết cách chăm sóc cho những cây nho ngày thêm tươi tốt. Không chỉ chăm những cây khỏe mạnh, càng phải chăm và ưu tiên hơn cho những cây yếu ớt, khô cằn, bị sâu bệnh, cả những cây mọc ở bụi gai, ở lề đường. Đó chính là những người già cả, cô đơn, khó khăn, túng thiếu, bần hàn, những người tàn tật, bất hạnh, những người cứng lòng trong Đức tin và nguội lạnh trong lòng Mến. Hơn thế nữa, vì thật lòng yêu mến ông chủ vườn nho, mà những những người làm vườn còn dấn thân đi gieo vãi những hạt nho khắp nơi nơi, cả những vùng sâu, vùng xa, nơi đầy giông tố, bão táp. Để các cây nho được sinh sôi, ngày một thêm nhiều, thêm đông số, thêm tươi tốt. Tất cả chúng ta đều vinh dự được ông chủ vườn nho mời gọi. Chúng ta hoàn toàn tự do, tự nguyện dấn thân. Chúng ta cầu nguyện cho tất cả mọi người, kể cả người đến làm từ giờ thứ nhất và cả người đến làm giờ sau cùng, đều can đảm ra đi.

Lạy Chúa, Chúa đã thấy rõ, sau một năm con đã làm được gì cho vườn nho của Chúa?

Lời kết trong bài chia sẻ Thánh lễ của vị Chủ chăn Giáo phận có hay không làm bừng lên nhiệt huyết nơi những người tông đồ của Chúa Giêsu ngày nay?

Thánh lễ kết thúc lúc 12 giờ 15 phút sau bài cám ơn của vị đại diện Hội đồng Mục vụ các giáo xứ - giáo họ toàn giáo phận gửi tới Đức cha Phêrô.

Chín Kiếm - Phạm Hướng

Nguồn: giaophanthaibinh.org