WGPMT - Ngược dòng thời gian, ngày 22.02.1931 tại tu viện Plock-Ba Lan, Chúa Giêsu đã mạc khải cho thánh nữ Faustina Kowalska sứ điệp về việc tôn sùng Lòng Thương Xót Chúa trên toàn thế giới. Năm thánh 2000, trong lễ phong hiển thánh cho nữ tu Faustina, Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố quyết định dành riêng ngày Chúa Nhật II Phục Sinh là ngày Chúa Nhật kính nhớ Lòng Chúa Thương Xót với ước mong mọi người đi xưng tội và rước lễ trong ngày này để nhận được ơn tha thứ hoàn toàn và nhận mọi ân sủng tuôn đổ từ trái tim yêu thương của Chúa.

Lúc 17g00 Chúa Nhật 08.04.2018 tại Lễ Đài Lòng Chúa Thương Xót của Giáo phận Mỹ Tho, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm- Giám mục Giáo phận Mỹ Tho- đã chủ sự thánh lễ Tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót, với sự hiện diện của đông đảo quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn dân Chúa. Đồng tế với Đức Cha có cha Tổng Đại Diện và quý cha trong Giáo phận.

Dẫn vào thánh lễ, Đức Cha gợi ý với cộng đoàn về ý nghĩa ngày lễ này để mọi người tham dự cách sốt sắng và mang lại lợi ích thiêng liêng, Ngài nói: “Sau đại lễ phục sinh, Hội thánh dành cả tuần Bát Nhật Phục sinh để hát mừng Đức Kitô Phục sinh, và đỉnh cao của tuần Bát Nhật Phục Sinh là Chúa Nhật II Phục sinh. Từ năm thánh 2000, Chúa Nhật II Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật Lòng Chúa Thương Xót. Và Chúa hứa với thánh nữ Faustina, những ai xưng tội rước lễ trong dịp này thì sẽ được ơn đặc biệt”. Vì thế, ngài mời gọi cộng đoàn dọn tâm hồn để xứng đáng cử hành thánh lễ này.

Trong bài giảng, Đức Cha nói đến nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ tôn vinh Lòng Chúa Thương Xót, đồng thời ngài cũng giải thích cho cộng đoàn hiểu vì sao mạc khải tư lại được ấn định cho toàn Giáo Hội. Ngài dẫn chứng câu Kinh thánh trong thư Do Thái 1,1: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ;  nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử”. Vì thế, với Chúa Giêsu, mạc khải đã trọn vẹn và không cần bất cứ điều gì nữa. Và những mạc khải đó không phải các môn đệ hiểu hết nhưng cần đến ơn Chúa Thánh Thần, và trong dòng lịch sử Giáo hội Chúa Thánh Thần luôn tác động giúp con người hiểu mạc khải của Thiên Chúa, và vì con người hay quên nên Chúa dùng mạc khải tư nhắc chúng ta nhớ chân lý quan trọng.

Ngài dẫn chứng những dấu chỉ của lòng Chúa thương xót qua đoạn Tin mừng: Chúa cho các ông xem những vết thương, dấu đinh và cạnh sườn… những dấu chứng đó nhắc đến cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập giá. Điều đó cũng nói lên một phần trách nhiệm của các tông đồ. Chúa đến không phải để kể tội các ông, kết án các ông, không trách các ông mà là ban sự bình an và ơn tha tội.

Ngài còn nhấn mạnh, dù tội lỗi của chúng ta có lớn đến đâu đi nữa nhưng lòng thương xót của Chúa còn lớn lao hơn, vì thế chúng ta đừng bao giờ thất vọng nhưng khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi, xin ơn tha thứ, và khi được tha thứ, chúng ta cũng biết trao ban lòng thương xót ấy cho tha nhân.

Kết thúc bài giảng, Đức Cha mời gọi mọi người xin ơn tha thứ, làm hòa với nhau, cư xử với nhau bằng lòng thương xót ngay trong gia đình, cộng đoàn, hội đoàn, cũng như những người chúng ta gặp gỡ, để thánh lễ này không chỉ là nghi thức phụng vụ mà thôi nhưng thấm dần trong đời sống đức tin của chúng ta, biến đổi chúng ta nên những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại cho chúng ta.

Thánh lễ diễn ra như thường lệ và kết thúc lúc 18g10, mọi người ra về trong hân hoan vì đã kín múc nơi Lòng Chúa Thương Xót thật nhiều ơn ích cho riêng mình và mọi người.

Nguồn: Giáo Phận Mỹ Tho