Giấc mơ chưa tròn

09/12/2016

Giấc mơ chưa tròn




Giấc mơ chưa tròn

Mỗi năm, khi Mùa Vọng về, Phụng vụ lại cho chúng ta nghe những đoạn văn trích trong sách ngôn sứ Isaia, diễn tả một khung cảnh an hoà của thiên nhiên vũ trụ. Theo vị Ngôn sứ, khi Đấng Thiên sai đến, “sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ, bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng” (Is 11,6). Những loài động vật vừa được nhắc tới, thông thường không bao giờ có thể ở gần nhau, nhưng đến thời thiên sai, chúng sẽ sống chung với nhau trong hoà bình, không còn cắn xé nhau nữa. Lúc ấy, chiến tranh cũng chấm dứt, và người ta sẽ lấy vũ khí chuyên giết người để chế thành những dụng cụ lao động: “Họ sẽ biến gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái…” (Is 2,4). Tuy vậy, hai mươi thế kỷ đã qua kể từ ngày Đức Giêsu đến trần gian, hoà bình vẫn là điều mơ ước xa vời, đây đó, con người vẫn tàn sát giết chóc lẫn nhau, trong cuộc sống, người ta vẫn lừa lọc và loại trừ nhau. Khung cảnh an bình mà ngôn sứ Isaia hướng tới dường như vẫn là một giấc mơ chưa tròn.

Trước hết, chúng ta phải khẳng định: Đức Giêsu là Đấng Thiên sai mà các ngôn sứ đã loan báo. Người là Đấng muôn dân trông đợi, và, như lời khẳng định của Phêrô trước các thủ lãnh Do Thái giáo: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ, vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4,12). Tác giả Tin Mừng Thánh Gioan kể lại với chúng ta: hai môn đệ đầu tiên, sau khi gặp gỡ Đức Giêsu và ở lại với Người, đã khẳng định Người là Đấng Thiên sai (Đấng Mêsia) (x.Ga 1, 35-42), Người đến trần gian để tái lập trật tự trong vũ trụ, đã bị xáo trộn do tội lỗi của con người ở thuở ban đầu lịch sử. Kể từ khi con người đã bất tuân lệnh truyền của Thiên Chúa, những mâu thuẫn nảy sinh và vũ trụ này cũng bị ảnh hưởng do tội lỗi của họ. Trong ba năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giêsu đã chứng minh cho mọi người thấy Người là Đấng Thánh của Thiên Chúa và là Đấng Thiên Sai. Người khẳng định, Người chỉ thực hiện những gì mà Chúa Cha muốn Người làm. Người luôn luôn trung thành với thánh ý của Chúa Cha, đến nỗi thánh ý của Chúa Cha là lương thực của Người (x. Ga 4,35). Những gì ngôn sứ Isaia tiên báo đã được thực hiện qua cuộc sống và lời giảng dạy của Đức Giêsu: Người làm cho kẻ điếc nghe được, người câm nói được, người bị quỷ ám được giải thoát và các tội nhân được giao hoà với Thiên Chúa. Vương quốc mà Người loan báo là vương quốc của bình an, nhân ái và yêu thương. Chúa Giêsu không chỉ rao giảng bằng lời, mà còn bằng chính cuộc sống. Người đã chấp nhận chết trên cây thập giá để chứng minh tình thương bao la của Thiên Chúa. Cái chết của Người đã xóa bản án nguyên tội, làm cho Thiên Chúa và con người xích lại gần nhau. Thánh Phaolô quả quyết với chúng ta: “Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa ban hoà bình trên trời dưới đất” (Cl 1,20).

Chúa Giêsu cũng đã có những ước mơ, và dường như những ước mơ ấy hôm nay cũng vẫn chưa tròn. Người mang lửa xuống thế gian và ước mong cho lửa ấy cháy bừng lên (x. Lc 12,49). Khi tuyên bố mình là Mục tử nhân lành, Chúa ước mong có ngày mọi con chiên tản mác khắp nơi được quy tụ về, để rồi chỉ có một chủ chiên và một đàn chiên (x. Ga 10,16-18). Chúa muốn các môn đệ của Người cùng cộng tác để ước mơ của Người được thực hiện. Thánh Augustinô Giám mục đã nói: “Khi Chúa dựng nên con, Ngài không cần có con, nhưng để cứu chuộc con, Chúa cần sự cộng tác của con”. Giấc mơ từ thời các ngôn sứ cũng như giấc mơ của Đấng Cứu thế sẽ được thực hiện, nếu mỗi chúng ta biết cộng tác với Chúa, như những cánh tay nối dài của Người giữa trần gian. Bởi lẽ, khi mang danh Kitô hữu, tức là người được xức dầu, chúng ta cũng đang thực hiện sứ mạng của Chúa Giêsu, đó là đem Tin Mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương dập nát, giải phóng những người tù tội… Mỗi chúng ta được mời gọi để làm cho thế giới này đầy tràn tình thương, qua những cố gắng nỗ lực của mình, đẩy xa bóng tối, đem ánh sáng cho đời.

Sống ở đời, mỗi chúng ta đều có những ước mơ. Người không có ước mơ cũng có nghĩa là không có tương lai, bởi vì ước mơ thúc đẩy chúng ta phấn đấu để thành đạt trong sự nghiệp. Ước mơ cũng giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, để vươn lên đạt được những điều tốt đẹp. Trong thực tế, có nhiều người khuyết tật đã “vượt lên số phận” để đạt tới những kết quả trong học vấn và trong nghề nghiệp. Họ đã thành đạt vì họ có những ước mơ, và họ quyết đạt được ước mơ đó. Người tin vào Chúa xác tín một điều: những ước mơ của bản thân có thể thành hiện thực, nếu có sự cộng tác giữa ơn Chúa và nỗ lực của bản thân. Những ước mơ của chúng ta nhiều khi chưa tròn, vì đó chỉ là những tham vọng cá nhân hoặc những ảo tưởng, mà không được thể hiện qua những hy sinh cố gắng của bản thân và không cầu xin ơn phù trợ của Thiên Chúa.

Mùa Vọng nhắc nhớ cho chúng ta biến cố lịch sử cách nay hơn hai ngàn năm. Đó là sự kiện Con Thiên Chúa giáng trần. Người đến trần gian để đem cho nhân loại hoà bình và lòng thương xót của Thiên Chúa. Ngay bên hang đá cỏ của đồng quê Belem, lúc Hài Nhi Giêsu vừa sinh hạ, chúng ta đã thấy có những chú bò lừa hiện diện, như một khung cảnh an hoà trật tự, “Thiên-Địa-Nhân hoà”. Trong khi thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu kêu gọi con người hãy chung tay hợp tác với Người để cảnh thái bình và vương quốc yêu thương được thực hiện nơi trần gian. Sống tinh thần Mùa Vọng cách cụ thể là thiện chí xây dựng thế giới chung quanh an bình trật tự.

Tuy vậy, chúng ta chỉ có thể cộng tác với Chúa để xây dựng bình an và hạnh phúc cho đời, nếu bản thân chúng ta cảm nhận sự bình an thiêng liêng của Chúa. Nỗ lực canh tân đời sống nội tâm, khiêm nhường sám hối những lỗi lầm, quảng đại thực thi bác ái… đó là những thực hành của Mùa Vọng, để dọn tâm hồn đón Chúa đến. Nhiều người mừng lễ Giáng sinh mà không được đón Chúa Hài Đồng, bởi lẽ họ chỉ coi ngày lễ như một ngày hội văn hóa hay một sự kiện giải trí. Có thể họ gặp gỡ nhiều bạn bè, với những cuộc vui chơi sôi động, nhưng đó chỉ là những niềm vui thể xác bề ngoài, mà vắng bóng Chúa, vì Người ngự đến trong những tâm hồn ngay thẳng, thiện chí và an bình.

Quỳ bên hang đá máng cỏ đêm Giáng sinh, mỗi chúng ta cũng có nhiều nguyện ước liên quan đến đời sống gia đình, nghề nghiệp, học vấn, mối tương quan bạn bè và tương lai. Song, những nguyện ước ấy sẽ mãi mãi là những giấc mơ chưa tròn, nếu chúng ta không biết thành tâm cầu nguyện và thiện chí nỗ lực cộng tác với ơn Chúa. Chúa luôn sẵn sàng ban ơn phù trợ cho những ai thành tâm kêu xin, như lời Người đã hứa: “Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9). Vâng, Bạn và tôi, trong Mùa Giáng sinh này, hãy cầu nguyện và hành động để thế giới an bình; cho con người ngưng bạo lực để chuyên tâm xây đắp hạnh phúc; xoá bỏ dối gian để sống theo sự thật; chấm dứt hận thù để trao gửi yêu thương. Làm như thế là chúng ta đang cố gắng để giấc mơ của các ngôn sứ, cũng là giấc mơ của Đấng Cứu thế, được thành sự, và Nước Trời sẽ khởi đầu nơi trần gian.

 

Mùa Vọng 2016

LỊCH PHỤNG VỤ