Đức tin được gọi là “trọn vẹn” được thể hiện qua ba khía cạnh: Tuyên xưng đức tin, Sống đức tin và Loan truyền đức tin. Thiếu một trong ba khía cạnh này, có thể nói chúng ta chưa được một đức tin trọn vẹn.

Đức tin là ơn ban của Thiên Chúa mà chúng ta nhận được khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy. Vì là một ơn ban hay quà tặng, nên ta có thể gìn giữ hoặc có thể đánh mất đức tin. Thiên Chúa ban đức tin cho mọi người đều giống nhau, tuy vậy, có người có đức tin mạnh mẽ, người khác lại có đức tin yếu kém. Như vậy, đức tin yếu kém hay mạnh mẽ là do cá nhân người đã lãnh nhận. Để được xứng danh người tín hữu, chúng ta phải có một đức tin trọn vẹn.

Để tuyên xưng đức tin, chúng ta phải hiểu nội dung của đức tin như Giáo Hội dạy. Những chân lý đức tin được truyền lại từ bao thế hệ. Qua những “tín điều” được Giáo Hội chính thức tuyên xưng trong kinh Tin Kính, người tín hữu nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời, đồng thời cảm nhận được sự dẫn dắt của Ngài giữa bao sóng gió của trần gian. Đức tin được tuyên xưng cách cá nhân: “tôi tin”, và cũng được tuyên xưng cách tập thể, tức là với sự hiệp thông trong Giáo Hội: “chúng tôi tin”. Đức tin được tuyên xưng trong phụng vụ, nhưng cũng phải được tuyên xưng trong cuộc sống hằng ngày.

Để sống đức tin, chúng ta phải thực hiện Lời Chúa dạy trong mối tương quan với anh chị em. Nhiều người tín hữu quên mất khía cạnh quan trọng này. Vì thế, đời sống hằng ngày đi ngược với điều họ tuyên xưng trong nhà thờ. Đức tin phải thấm nhập đời sống người tín hữu và thể hiện qua việc làm, để rồi, những người chưa tin Chúa sẽ nhận ra Ngài nơi chính cuộc đời của chúng ta. Nói cách khác, cuộc đời người tín hữu là một “cuốn Tin Mừng thu gọn”, diễn tả cuộc đời Chúa Giêsu, làm chứng nhân cho Người giữa đời.

Để loan truyền đức tin, người tín hữu phải hiểu biết Chúa và trình bày giáo huấn của Người cho anh chị em mình. Loan báo Tin Mừng là bổn phận của mỗi Kitô hữu. Tuy vậy, việc loan báo Tin Mừng chỉ đem lại những hiệu quả thiết thực, nếu người loan báo thực sự tuyên xưng và sống đức tin, như đã nói ở trên. Họ như người đã thực sự gặp gỡ Chúa và chia sẻ cho anh chị em về kinh nghiệm gặp gỡ ấy.

Lời Chúa hôm nay giúp ta nhận ra đâu là đức tin trọn vẹn. Thánh Giacôbê khẳng định: Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Đức tin chết có nghĩa là đức tin không được tuyên xưng, không được sống (thực hiện) và không được loan truyền. Đối với những người có đức tin mà không có việc làm, món quà đức tin bị họ giấu kín, thậm chí chôn vùi sâu trong lòng đất, vì thế, đức tin không sinh hoa kết trái.

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu bất ngờ đặt cho các môn đệ câu hỏi: “Người ta nói Thầy là ai?”. Trước câu hỏi này, các ông tỏ ra lúng túng. Thì ra, mặc dù đã có một thời gian dài làm môn đệ Chúa Giêsu, các ông vẫn chưa hiểu rõ về thân thế Thầy mình. Các ông chỉ biết nói theo lời đồn và theo dư luận: "Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.”

“Thầy là Đức Kitô!”. Đó là lời tuyên xưng Đức tin của thánh Phêrô. Phêrô thận trọng để cho những anh em khác trả lời dựa trên dư luận của quần chúng xung quanh chân tính của Đức Giêsu, và ông là người có tiếng nói sau cùng. Cũng có thể lúc đó, ông mới nhận ra điều ông biết về Chúa là điều chắc chắn.

Mặc dù thận trọng như thế, xem ra Phêrô vẫn chưa có một đức tin trọn vẹn. Sau khi các môn đệ có một định nghĩa chính xác về sứ mạng thiên sai của Chúa, Người mới tỏ cho các ông biết, Đấng Kitô phải trải qua cuộc thương khó, nhưng sẽ phục sinh. Mác-cô không ghi lại lời khen của Chúa như Matthêu, nhưng ông cũng nhắc lời Chúa khiển trách Phêrô là Satan, khi ông này muốn can gián Chúa về ý tưởng thập giá và khổ nạn. Kể cả sau khi đã tuyên xưng Đức tin, các môn đệ chưa thể chấp nhận được quan niệm về một Đấng Thiên sai khổ nạn để cứu chuộc con người. Nơi Phêrô cũng như nơi mỗi chúng ta hôm nay, chúng ta vừa tuyên xưng Đức tin vào Chúa, đồng thời cũng vẫn gặp khó khăn khi đối diện với thập giá. Đó là lý do tại sao một số tín hữu ngày nay, tin vào Chúa Giêsu mà khước từ thập giá, hoặc chỉ chọn lựa Chúa Giêsu mà loại bỏ thập giá. Chúa Giêsu không có thập giá không phải Chúa Giêsu của mặc khải và cũng không phải là Đấng Cứu độ trần gian. Thập giá không có Chúa Giêsu chỉ là biểu tượng của sự hận thù, cam chịu và chẳng có giá trị bày tỏ tình yêu. Khi Phêrô có ý khước từ thập giá, Chúa Giêsu đã khiển trách ông nặng lời và gọi ông là Satan.

Thập giá gắn liền với Đức Kitô. Thập giá cũng gắn liền với mỗi Kitô hữu. Tác giả sách Ngôn sứ Isaia đã diễn tả người Tôi tớ đau khổ của Giavê như một nạn nhân bị bạc đãi đến mức tột cùng (Bài đọc I). Sau này, chúng ta thấy Chúa Giêsu đã trải qua đòn vọt tra tấn giống y như vậy. Dù bị sỉ nhục hành hạ, người Tôi tớ của Đức Giavê vẫn một lòng tín thác ở Thiên Chúa, là Chúa Thượng và là Đấng phù trợ trung thành. Đây cũng là gợi ý cho mỗi chúng ta trong việc tuyên xưng và sống đức tin. Muốn trung thành với Chúa, đòi hỏi phải vượt lên những khó khăn, với lòng tín thác nơi Chúa, luôn xác tín rằng Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta.

Hành trình cuộc đời còn nhiều gian nan vất vả. Đã là người chẳng có ai tránh khỏi những thử thách. Tuy vậy, trước một khó khăn, người có Đức tin cảm thấy lối thoát nhờ Đấng Tối cao; người vô thần cảm thấy như mình đứng trước ngõ cụt. Người tin Chúa tìm thấy sức mạnh và an ủi; người vô tín thấy mình chơi vơi giữa con sóng biển đời. Chúa Giêsu đã đến trần gian, Người không hủy bỏ thập giá nơi kiếp sống con người, nhưng Người cùng vác thập giá với họ để chia sẻ gánh nặng cuộc đời. Con người không còn đơn lẻ trong chặng đường thập giá, vì có Con Thiên Chúa vác cùng. Sau thập giá là vinh quang của phục sinh. Chấp nhận thập giá và kiên cường bước đi, đó là bằng chứng của người tín hữu có đức tin trọn vẹn.

“Tin là chịu đựng sự khó hiểu của Thiên Chúa suốt đời” (Karl RAHNER, Linh mục dòng Tên và thần học gia người Đức, 1904-1984).

 +Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Nguồn: Gp. Hải Phòng