Đọc sách

Mẹ Têrêsa

Hãy đến làm ánh sáng của Ta

Những thư từ và ghi chép của “Vị Thánh thành Calcutta

Người dịch: Cam Thảo

Nhà xuất bản Văn học, tháng 10.2008

Nguyên tác: Mother Teresa – Come to be my light

Do Brian Kolodiejchuk, Hội dòng Thừa sai Bác ái, biên tập và chú thích (2007)


           ""

Sách viết về nhân vật quen gọi là Mẹ Têrêsa và được dịch sang tiếng Việt thì nhiều, nhưng đây có thể được xem là quyển sách đầu tiên viết về “khía cạnh thâm sâu trong mối quan hệ của bà với Chúa”. Và có thể nói chính mối quan hệ này đã là nền tảng, động lực của một cuộc đời đã tạo được sự thán phục của thế giới.

Sách do một linh mục dòng Thừa sai Bác ái, người để cử phong thánh cho Chân phước Têrêsa thành Calcutta, Giám đốc Trung tâm Mẹ Têrêsa, biên soạn và chú thích, chủ yếu từ những thư từ và ghi chép của chính vị chân phước và của một số Giám mục, linh mục, cha linh hướng…, những người trực tiếp hay gián tiếp có quan hệ với công việc của bà hay được bà mời giúp về mặt thiêng liêng. Bởi vậy, tập sách có thể giúp người đọc khám phá chiều sâu tâm hồn của một Thừa sai bác ái, hay “khía cạnh tâm linh của công việc” tông đồ rao giảng tình thương của Chúa bằng hành động tình thương của con người. Bản dịch tiếng Việt của Cam Thảo dễ đọc, không xa lạ với độc giả Công giáo.

Sách đề cập đến ba nội dung chính, cũng là ba giai đoạn chính của cuộc đời tu trì và tông đồ của Mẹ Têrêsa: (1) Nữ tu dòng Đức Trinh nữ Maria, cũng gọi là dòng Loreto, (2) Việc thành lập dòng Thừa sai bác ái và (3) “Bóng tối”, trải nghiệm thần bí của Mẹ Têrêsa. Và đây cũng là ba phần của tập sách gồm mười ba chương: chương 1 và 2 dành cho nội dung thứ nhất; chương 3 đến chương 7, về linh hứng bà có được để đi đến quyết định thành lập Hội dòng Thừa sai Bác ái, việc bà rời bỏ dòng Loreto; chương 8 đến chương 13 đề cập đến “bóng tối” nội tâm. Con số trong ngoặc đơn là số trang của bản dịch.

1. Ơn gọi nữ tu (các chương 1 và 2)

Gonxha Agnes Bojaxhiu, sau này được gọi là Mẹ Têrêsa, sinh ra là người Albania, ngày 26/8/1910, lớn lên tại Skopje, một thị trấn nhỏ của Serbia; năm 18 tuổi, gia nhập dòng Đức Trinh nữ Maria chuyên lo giáo dục, tại Ireland, vào tháng Mười năm 1928, nộp đơn xin đi truyền giáo ở Bengal, tới Calcutta đầu năm 1929, tuyên khấn lần đầu năm 1931, tuyên khấn trọn đời năm 1937 tại Darjeeling, dạy học tại trường Trung học đệ nhất cấp ở Bengali từ năm 1931 cho tới ra khỏi dòng Loreto và thành lập Hội dòng Thừa sai bác ái năm 1948, làm việc tại Calcutta và qua đời tại đây, ngày 5/9/1997.

Cuộc đời nữ tu của Bà đã bắt đầu một cách thật đơn giản: lòng mong ước thực hiện hết mình tiếng gọi đầu đời mà mọi người kitô hữu đều nằm lòng và cũng là điều răn duy nhất gồm tóm mọi điều răn khác dành cho người muốn đi con đường trọn lành, đó là mến Chúa và yêu người đồng loại. Bà đã chọn con đường vào tu viện, tình nguyện sống theo những lời khấn giúp người tu sĩ dâng trọn đời mình cho Chúa, tình nguyện xin đi truyền giáo ở một nơi xa xôi vốn bị xem là “có đi mà không có về” vì lòng yêu mến những đồng loại chưa biết đến tình yêu thương của Chúa.

2. “Ơn gọi trong ơn gọi” (Các chương 3 tới 7)

Nhưng tiếng gọi đã không dừng lại ở đó. Bà được mời gọi đi tiếp, và trên một con đường mới: tháng 9 năm 1946, sau tám ngày tĩnh tâm, bà được thôi thúc dâng mình cho Chúa, - một cách “không giới hạn” (118)-, đang hiện diện nơi người đồng loại giờ đây mang rõ nét của những người nghèo, những người ăn xin, những người bệnh, người đang chết trong cô đơn trong những túp lều bẩn thỉu, những trẻ em đường phố, ở một nơi cụ thể là các khu nhà ổ chuột ở Ấn Độ.

Nhưng những bước đi cụ thể để thực hiện sự thôi thúc này lại chẳng mấy dễ dàng. Hai thiện chí đôi khi cũng có thể là cản trở của nhau. Để thực hiện công việc mới, nữ tu Têrêsa phải rời bỏ dòng Loreto, bỏ các lời khấn cụ thể của dòng. Bề trên muốn bà chỉ bỏ tạm thời. Cha Van Exem, linh hướng của bà, đã khuyên bà dùng giải pháp xuất tu viện, nhưng vẫn duy trì các lời khấn dòng Loreto để có thể trở lại dòng nếu dự án “công việc” của bà không thành công. Nhưng nữ tu Têrêsa thì lại cương quyết rời hẳn khỏi dòng Loreto. Đối với bà, việc mở đường để bà có thể trở lại Loreto, như một biện pháp an toàn cho bà, là không cần thiết. Bà lập luận: “Nếu linh hứng đó đến từ Chúa, mà con tin chắc là đúng như thế, thì sẽ không có vấn đề thất bại” (121). Tuy nhiên, các thư Bà viết cho Bề trên, cho Hồng y Bộ trưởng Thánh bộ phụ trách Tu sĩ ở Roma, để xin “hoàn tục” và “thoát khỏi lời khấn buộc con với nhà Dòng”, đều phải chờ đợi hết tháng này qua tháng nọ, mới được hồi âm. Thư bà viết cho Hồng y Bộ trưởng đề ngày 7/2/1948, cũng phải đợi đến ngày 8/8/1948, tức vừa chẵn nửa năm, Bà mới nhận được tin từ Roma cho biết Đức Giáo hoàng Piô XII, thông qua Thánh bộ phụ trách Tu sĩ, cho phép bà rời dòng Loreto và bắt đầu sứ mạng mới của bà, với phép “sống bên ngoài tu viện Loreto trong một năm hoặc ít hơn nếu thấy như thế là đủ và được giữ các lời khấn của một nữ tu Loreto dưới sự quản lý của Tổng giám mục Calcutta”.

3. Bóng tối, ‘người bạn đồng hành’ (Các chương 8 đến 13)

Ngày 17/8/1948, Maria Têrêsa, tên gọi mới của bà, trong trang phục sari trắng viền xanh, rời tu viện dòng Đức Trinh nữ Maria dù ở đó bà đã “rất hạnh phúc khi được làm thành viên” của dòng (129), lên đường bắt đầu cuộc sống của một nữ tu Truyền giáo Bác ái, với năm rupi trong túi, số tiền chỉ để nói lên cái nghèo của người đã chọn sống nghèo với người nghèo, nhưng trong tim lại chất chứa cả một kho tàng niềm tin không gì lay chuyển nổi: niềm tin ở Chúa và niềm tin tuyệt đối vào lời Người đã hứa với Bà hai năm trước: “Đừng sợ - Ta sẽ luôn bên con… hãy yêu thương tin tưởng Ta – tuyệt đối tin tưởng Ta” (135).

Lời hứa quả mới cần thiết cho bà làm sao! Nó đã giúp bà bước đi vững vàng trong một thứ “bóng tối khủng khiếp” từng bám chặt lấy bà suốt 50 năm cuộc đời còn lại của bà. Hai ngày trước khi bỏ Loreto để lên đường tới Calcutta bắt đầu công việc mới, bà viết cho Đức Tổng giám mục Périer, người được Tòa thánh giao trách nhiệm “quản lý” bà và công việc của bà: “Con sẽ đi bằng tầu chở thư Punjab vào tối thứ Ba – Tất cả đều thật tăm tối – nhiều nước mắt – nhưng con đi theo sự lựa chọn tự do của con cùng với lời chúc phúc của đức vâng lời” (134).

Ngày 21/12, Maria Têrêsa lần đầu tiên bước chân vào các khu ổ chuột với tư cách một nữ tu Truyền giáo Bác ái. Ngày 19/3/1949 Shubashini Das, Xơ Agnes sau này, tới cộng tác với bà. Tháng 6/1950, số người trong cộng đoàn lên đến 12 người. Ngày 7/10/1950, ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, Hội dòng Thừa sai Bác ái tại Calcutta chính thức được thành lập với phép của Tòa thánh. Cuối năm 1952, Hội dòng đã có 26 thành viên.

Những thành quả có thể đếm được bằng những con số này lại đã không che khuất được “bóng tối khủng khiếp” cứ dai dẳng đeo bám lấy bà: Gần một năm sau, “linh hồn con vẫn chìm trong bóng tối và u buồn sâu thẳm” (170). Tháng giêng năm 1955, bà đã ghi nhận một yếu tố mới trong trải nghiệm của mình: sự cô đơn. “Sự cô đơn, người bạn đồng hành của bà, từ thời điểm này trở đi, là kết quả của cảm giác bị tách rời khỏi Chúa và những người bà tin tưởng nhất” (174). Tháng hai năm 1956, bà hé mở thêm: “Con mong mỏi –với một niềm mong mỏi đau đớn được là tất cả cho Chúa – để nên thánh đến mức Chúa Giêsu có thể sống trọn vẹn cuộc đời Người trong con. Con càng cần Người – Người lại ít cần con. Con muốn yêu thương Người như Người chưa từng được yêu bao giờ - thế nhưng lại có sự xa cách đó, - sự trống rỗng khủng khiếp đó, cảm giác thiếu vắng Chúa đó” (181). “Có quá nhiều mâu thuẫn trong lòng con. –Sự mong mỏi sâu sắc đối với Chúa – sâu sắc đến mức cảm thấy đau đớn – nỗi đau tiếp diễn – nhưng không được Chúa cần đến – bị từ chối – trống rỗng – không có đức tin – không tình yêu – không lòng nhiệt huyết” (187). Đến cái độ “Con hiểu được một ít những đau đớn ở hỏa ngục – không có Chúa” (190). “Trong lòng con, … nó tăm tối, đau đớn, khủng khiếp như thế nào. Cảm giác của con thật là xảo trá. – Con cảm thấy muốn ‘từ chối Người’ nhưng điều lớn nhất và khó khăn nhất là niềm mong mỏi khủng khiếp về Chúa” (270).

“Yêu bóng tối”  

Những người có trách nhiệm giúp bà đã chỉ còn biết đưa ra nguyên tắc của con đường thiêng liêng để an ủi bà. Đức Tổng giám mục đã trả lời bà với bản tóm lược lời dạy của Thánh Gioan Thánh giá về “đêm tối” thiêng liêng: lòng mong mỏi chẳng bao giờ được thõa mãn trong thế giới trần tục này, đơn giản là vì “Người là vô hạn còn chúng ta là hữu hạn” (182). Bóng tối như một sự “thanh lọc” và “bảo vệ chống lại sự kiêu hãnh” trước thành quả đạt được.

Linh mục Neuner đã trả lời thắc mắc của bà: “Nó đơn thuần chỉ là bóng tối của đời sống thiêng liêng mà các bậc thầy về đời sống thiêng liêng đều biết – dù tôi chưa bao giờ gặp trường hợp nào sâu đậm và kéo dài lâu năm như của bà. Con người không có cách nào chữa trị. Chỉ có thể chịu đựng nó được nhờ niềm tin vào sự có mặt của Chúa dù Người đang dấu mình và với sự hiệp thông với Chúa Giêsu, Đấng đã phải vác gánh nặng và bóng tối của thế giới tội lỗi trong cuộc Khổ nạn để cứu rỗi chúng ta. Dấu hiệu chắc chắn cho thấy sự hiện diện khuất mình của Thiên Chúa trong bóng tối này là cơn khát Chúa, sự thèm muốn dù chỉ một tia ánh sáng của Người. Không ai có thể mong mỏi Chúa trừ khi Chúa đang hiện hữu trong tim người đó” (235).

Những lời an ủi trên đây dẫu sao cũng đã giúp bà “biết yêu bóng tối”: “Lần đầu tiên trong suốt 11 năm – con đã biết yêu bóng tối đó…”. Và bà đã chấp nhận bóng tối ấy như một “khía cạnh tâm linh của công việc” bà đang thực hiện cho người nghèo (236). “Trong ý định của Chúa thì bà phải trải nghiệm phần nào cái thực tế đáng khiếp sợ trong một cuộc sống không có Chúa, mà bà ví như địa ngục, hậu quả của việc chối bỏ tình yêu và lòng nhân từ của Chúa. Trải nghiệm này đã làm tăng cơn khát không nguôi của bà được cứu các linh hồn bằng cách giúp đỡ từng người để họ biết về Chúa và tình yêu của Người và yêu thương đáp lại tình yêu đó của Người” (275). “Nếu có địa ngục, hẳn chính là đây” (276).

Tuy từ năm 1969, 1970, bà không còn nói gì đến bóng tối đó nữa, và linh mục Neuner đã có thể viết “Tôi cảm nhận bà ấy đã tìm thấy đường đi và không cần giúp đỡ nữa” (292), nhưng điều đó không có nghĩa là bà đã được giải thoát khỏi cái dáng dấp địa ngục của bóng tối, vì bóng tối vẫn luôn siết chặt trong lòng bà (293). Bà ý thức rõ mình đang đi con đường của thập giá, của khổ nạn dẫn đến sự cứu độ. Nơi con đường ấy, trước bà, Đấng bà yêu quý và mong mỏi không nguôi cũng đã bị đè nặng dưới bóng của tối tăm còn nặng hơn cả thập giá khiến Người phải thốt lên: “Abba, lạy Cha, Cha có thể làm mọi sự, xin cất chén này đi khỏi con” (Mc 14, 36) và với giọng xem ra còn tối tăm hơn nữa khi Người sắp sửa hoàn tất “công việc” trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa tôi, lạy Thiên Chúa tôi, vì sao Người lại bỏ tôi” (Mc 15, 34).

Vị thánh của “bóng tối”

Chúa, Đấng bà mong mỏi, tuy đã không xuất hiện với bà như một sự yên ủi, như một phần thưởng cho riêng tâm hồn bà, nhưng vẫn có đó và bà có thể nhận ra mỗi khi làm “công việc” của bà. “Từ lúc bóng tối xuất hiện và làm tiêu tan cảm giác về sự có mặt của Chúa, bà đã nhận ra Người dưới nỗi đau của người nghèo: ‘Khi ta đi qua các khu nhà ổ chuột hoặc bước chân vào các túp lều tăm tối - ở đó Chúa thực sự hiện hữu’. ‘Các túp lều tăm tối’ đó đã trở thành nơi gặp gỡ đặc biệt với Người. Nơi đó Bà muốn được yêu thương Người đến tận cùng” (186). “Khi cầu nguyện, bà hướng đến Chúa Giêsu và bộc lộ niềm mong mỏi đớn đau của bà dành cho Người. Nhưng chỉ khi ở với người nghèo bà mới cảm nhận cách rõ nét sự có mặt của Người. Ở đó, bà mới cảm nhận Người một cách sống động và rất thật” (234).

Nhưng bóng tối, sự thiếu vắng, sự cô đơn thiêng liêng bà cảm nhận trong tâm hồn lại không làm nhụt chí của bà. Bà luôn mong mỏi và luôn tìm cách “thắp sáng tình yêu của Chúa Kitô trong túp lều tăm tối của mỗi trái tim bị chôn vùi trong cảnh túng thiếu, cô đơn hay bị chối bỏ” (204), thắp sáng tình yêu của Chúa Kitô nơi “người nghèo và trẻ em, người bệnh và người sắp chết và những người bị hủi đang sống tại 52 trung tâm của chúng con ở Calcutta” (203). Bà vẫn cố gắng hết sức để bước thêm một bước nữa, chứ không dừng, bà thề sẽ mỉm cười với Khuôn Mặt Bị Che Khuất của Người giữa những đau khổ này cho đến cuối cuộc đời (208). Bà vẫn tiếp tục vui vẻ và đầy lòng nhiệt huyết. Một niềm vui thiêng liêng thực sự, bởi vì, “để trở thành một Thừa sai bác ái thực sự, các con phải là một của lễ vui tươi” (176). Bà vẫn khẳng định sự phục tùng Thánh ý Chúa, vẫn khuyên nhủ chị em, các cộng sự của bà: “Hãy sống tốt với nhau – Ta thà rằng các con mắc sai lầm vì lòng tốt – hơn là tạo nên những sự kỳ diệu trong sự vô tâm” (216).

Bóng tối trong lòng vì vắng bóng Đức Kitô, nhưng bà lại là người làm lan tỏa ánh sáng tình yêu của Chúa ở những nơi đau khổ nhất của thế giới này (332), tiếp tục là nguồn sáng và nguồn cảm hứng cho mọi người (337). Cha van der Peet đã từng viết về bà: “Bất cứ khi nào tôi gặp Mẹ Têrêsa, mọi e dè trong tôi đều biến mất. Tôi cảm thấy rất dễ chịu: ở bà tỏa ra niềm vui và sự bình yên, ngay cả khi bà chia sẻ với tôi về bóng tối trong đời sống thiêng liêng của bà” (295).

Nhiều cơ sở được thiết lập bên ngoài Calcutta. Số chị em trong Hội Dòng gia tăng đều đều: vào cuối thập niên 50, 85 chị em và 15 người sắp đến. Ngày 1/2/1965, Hội dòng Thừa sai bác ái được Tòa Thánh công nhận trực thuộc quyền quản lý của Đức Giáo Hoàng thay vì của Giám mục giáo phận (277). Năm 1975, Hội dòng đã có hơn 1.000 chị em ở 85 cơ sở tại 15 nước trên thế giới.

 

""

Ánh sáng chiếu trong thế giới tối tăm

Sau chuyến đi Roma, New York và Washington , D. C., và cũng là chuyến đi cuối cùng, bà trở về Calcutta tháng 7/1997, mệt mỏi nơi thân xác. Và ngày 5/9/1997, lúc 9g30 tối, bà qua đời “trong ngôi nhà mất điện và tất cả đều chìm vào bóng tối” (365).

Nhưng chẳng hề gì. Sự cố này đã không ngăn cản được đông đảo người dân Calcutta nhận ra thứ ánh sáng họ cần, thứ ánh sáng có thể chiếu sáng trong cái tối tăm của thế giới.

Bởi lẽ, người ta có thể đọc được hàng chữ trên một trong vô số các biểu ngữ được công dân của thành phố Calcutta giơ cao trong tang lễ của bà: “Mẹ, người là nguồn sáng trong thế giới tăm tối này”.

Giáo hội đang chuẩn bị để phong thánh cho Mẹ Têrêsa. “Nếu con được trở thành một vị thánh, -chắc chắn con sẽ là vị thánh của ‘bóng tối’. Con sẽ ở xa thiên đàng – để thắp lên ánh sáng cho những người sống trong bóng tối trên trái đất này” (Tuyên ngôn hành động của bà, 370-371). Một vị thánh không tìm phần thưởng cho chính mình.

Kết luận

“Nhà truyền giáo giản dị, nhỏ bé và vô danh” (224) này đã được hàng triệu người trên thế giới thán phục. Bà được trao Giải Nobel Hòa bình năm 1979. Năm 1985, trước ảnh hưởng của bà, Tổng thư ký Liên hiệp Quốc, Javier Perez de Cuellar, đã gọi bà là “người đàn bà quyền lực nhất thế giới” (332). Điểm đến đầu tiên của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II khi ngài tới Ấn Độ đầu năm 1986 là Nirmal Hriday Ashram ở Kalighat mệnh danh là Ngôi nhà dành cho những người sắp chết ở Calcutta do bà thiết lập.

Đọc Mẹ Têrêsa - Hãy đến làm ánh sáng của Ta, người đọc thêm xác tín: Mẹ Têrêsa đã đi trọn con đường “trọn lành” cả về mặt đạo lẫn mặt đời, nhưng không phải song song, kiểu đồng hành. Chính bởi vì bà đã đi trọn, đã sống hết mình ơn gọi làm người kitô hữu, bà đã được thế giới nhìn nhận là người đồng loại của loài người. Một con đường duy nhất đối với người kitô hữu.