Đại hội các gia đình thế giới 2012 – Bài giáo lý số 10: Ngày lễ: thời gian dành cho cộng đoàn

15/07/2011

Đại hội các gia đình thế giới 2012 – Bài giáo lý số 10: Ngày lễ: thời gian dành cho cộng đoàn


Đại hội các gia đình thế giới 2012 tại Milano “Gia Đình: công việc và ngày lễ”:
GIÁO LÝ CHUẨN BỊ
Bài 10: Ngày lễ: thời gian dành cho cộng đoàn

A. Bài hát và lời chào mở đầu

B. Kinh Chúa Thánh Thần

C. Bài đọc Lời Chúa

46Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. 47Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ (Cv 2,46-47).

33Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng (Cv 4,33).

42Mỗi ngày, trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Kitô Giêsu (Cv 5,42).

43“Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; 44ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. 45Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,43-45).

1Trong Hội Thánh tại Antiôkia, có những ngôn sứ và thầy dạy, đó là các ông Barnaba, Simêôn biệt hiệu là Đen, Lukiô người Kyrênê, Manaen, bạn thời thơ ấu của tiểu vương Hêrôđê, và Saolô. 2Một hôm, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa và ăn chay, thì Thánh Thần phán bảo: “Hãy dành riêng Barnaba và Saolô cho Ta, để lo công việc Ta đã kêu gọi hai người ấy làm.” 3Bấy giờ họ ăn chay cầu nguyện, rồi đặt tay trên hai ông và tiễn đi. 4Vậy, được Thánh Thần sai đi, hai ông xuống Sêlêukia, rồi từ đó đáp tàu đi đảo Cyprô. 5Đến Salamin, hai ông loan báo lời Thiên Chúa trong các hội đường người Do Thái. Có ông Gioan giúp hai ông (Cv 13,1-5).

D. Giáo lý Kinh Thánh

1. Ngày của sự hiệp thông. Ngày của Chúa làm cho ngày lễ trở thành thời gian sống cho nhau, ngày của hiệp thông sứ vụ. Thánh Thể là việc tưởng niệm việc làm của Chúa Giêsu: này là mình Ta, này là máu Ta đã được ban cho anh em và cho tất cả mọi người”. “Cho anh em cho tất cả mọi người” liên kết chặt chẽ với đời sống huynh đệ (cho anh em) và mở ra cho mọi người (cho nhiều người). Từ nối “và” ám chỉ toàn bộ nỗ lực của sứ mạng loan báo Tin Mừng của gia đình và cộng đoàn: được trao ban cho chúng ta để chúng ta trao ban cho mọi người.

Hội thánh vốn được sinh ra từ thánh lễ Chúa nhật mở ra với mọi người. Hình thức đầu tiên của việc truyền giáo là xây dựng sự hiệp thông giữa những người tin, là làm cho cộng đoàn trở thành một gia đình của các gia đình. Đây cũng là luật cơ bản của việc truyền giáo: Hội thánh duy nhất và hòa hợp là chứng từ có sức thuyết phục hơn hết cho thế giới. Hội thánh có thể trở thành trường truyền giáo chỉ khi nào Hội thánh là ngôi nhà của sự hiệp thông. Những đoạn Công vụ tông đồ trích dẫn ở trên cống hiến cho chúng ta dung mạo của những cộng đoàn tiên khởi, họ sống kinh nghiệm Kitô giáo giữa ngôi nhà của họ và đền thờ. Ngày lễ và ngày Chúa nhật là khoảnh khắc làm mới lại đời sống Hội thánh, cũng vậy, cộng đoàn Kitô hữu đảm nhận bầu khí của đời sống gia đình và gia đình mở rộng ra tới chân trời hiệp thông của Hội thánh.

Hội thánh địa phương và giáo xứ là sự hiện diện cụ thể của Tin Mừng giữa lòng đời sống nhân loại. Đây là những dung mạo của Hội thánh được biết đến rất nhiều bởi đặc tính thân tình tiếp đón mọi người. Trong rất nhiều nước, các giáo xứ đã bộc lộ một “đời sống tốt lành” theo Tin Mừng của Chúa Giêsu và đã minh chứng cảm thức thuộc về Hội thánh. Như Công đồng Vatican II khẳng định, nơi các Hội thánh địa phương “Hội thánh đồng hành với toàn thể nhân loại và cùng chia sẻ số phận trần thế với thế giới” (Hc. Gaudium et Spes/Vui mừng và Hy vọng, 40). Trong giáo xứ, các gia đình là “hội thánh tại gia”, vừa làm thành cộng đoàn giáo xứ vừa là một hội thánh giữa các gia đình nhân loại. Trong cuộc sống hằng ngày, với nhịp điệu của công việc và ngày lễ, gia đình chấp nhận để thế giới bước vào ngôi nhà của mình đồng thời gia đình cũng mở ra với thế giới. Mặt khác, cộng đoàn Kitô hữu phải lưu tâm đến các gia đình, giúp gia đình thoát khỏi cám dỗ khép kín trong “căn hộ” của mình và mở ra với cuộc lữ hành đức tin. Trong gia đình, sự sống được thông truyền như hồng ân và lời hứa; trong giáo xứ lời hứa hồng ân sự sống được đón nhận và nuôi dưỡng. Ngày của Chúa trở thành ngày của Hội thánh khi Hội thánh trợ giúp người ta cảm nghiệm vẻ đẹp của một ngày Chúa nhật chung sống với nhau, nhờ tránh đi tính vô vị tầm thường của một ngày cuối tuần chỉ biết hưởng thụ, và thỉnh thoảng cũng nên sống kinh nghiệm hiệp thông huynh đệ giữa các gia đình.

2. Ngày của đức ái. Ngày của Chúa như là ngày của Hội thánh (dies ecclesiae) trở thành ngày của đức ái. Hội thánh được nuôi dưỡng bởi thánh lễ Chúa nhật cũng là cộng đoàn phục vụ mọi người. Gia đình, mặc dù không đơn độc, là mạng lưới thông truyền sứ vụ này. Bản văn Tin Mừng của thánh Marcô rất đẹp ở trên đây minh họa, như trong thánh lễ Chúa nhật, Chúa Giêsu hiện diện giữa chúng ta như một người phục vụ. Sau đây là tiêu chuẩn của sự phục vụ trong cộng đoàn: ai muốn làm lớn nhất thì phải làm người nhỏ nhất (người phục vụ anh em), và ai muốn là người trước hết, người ấy hãy dấn thân phục vụ người nghèo và người bé mọn (tôi tớ của mọi người). Việc bác ái là một đặc điểm của ngày Chúa nhật Kitô giáo. Một vài mùa phụng vụ (Mùa Vọng và nhất là mùa Chay), việc bác ái được đề nghị như một bổn phận thiết yếu của các gia đình và cộng đoàn. Như thế Chúa nhật trở thành “ngày của đức ái”.

Việc bác ái diễn tả ước muốn hiệp thông với Thiên Chúa và với anh em. Gia đình, trong suốt tuần lễ, mỗi ngày đều gặp những người túng thiếu, nhưng cuộc sống gia đình không dừng lại ở việc bố thí và thực hiện việc bổn phận: nhưng phải làm cho mối liên kết giữa người với người, giữa đời sống đức tin với đức ái, ngày càng tăng thêm. Không có kinh nghiệm phục vụ trong gia đình, không giúp đỡ lẫn nhau cũng như không thông phần vào những khó nhọc chung trong gia đình thì khó mà có một con tim có khả năng yêu thương. Trong gia đình, con cái cảm nghiệm từng ngày tấm gương dâng hiến không biết mệt mỏi cũng như sự phục vụ khiêm hạ của cha mẹ, qua học hỏi gương sáng âm thầm yêu thương của họ. Trong cộng đoàn giáo xứ, các thiếu nhi và giới trẻ nên mở rộng chân trời bác ái đến với những người khác, có thể chia sẻ kinh nghiệm yêu thương và phục vụ mà các em đã học được trong gia đình. Việc dạy thực hành đức ái, nhất là trong các gia đình chỉ có một người con duy nhất, nên mở ra ngay với những hình thức, lớn hay nhỏ, phục vụ tha nhân.

3. Ngày của bài sai sứ vụ. Chiều kích truyền giáo của Hội thánh là trung tâm của thánh lễ Chúa nhật và mở ra những cánh cửa cuộc sống gia đình ra với thế giới. Cộng đoàn Chúa nhật được định nghĩa là cộng đoàn truyền giáo. Đoạn sách Công vụ Tông đồ trích trên đây trình bày một hình ảnh đẹp về cộng đoàn Antiôkia, có thể là ngày Chúa nhật, đang khi họ làm việc thờ phượng Chúa, Thánh Thần thúc đẩy ra đi truyền giáo. Trong ngày thờ phượng, cộng đoàn trở thành cộng đoàn truyền giáo. Truyền giáo không chỉ liên quan đến những cá nhân riêng lẻ được sai đi, nhưng sẽ bộc lộ hiệu quả của nó khi toàn thể Hội thánh, với các đặc sủng, các thừa tác vụ và các ơn gọi khác nhau, trở thành dấu chỉ hiện thực tình yêu của Đức Kitô dành cho tất cả mọi người. Có những hình thức truyền giáo của cộng đoàn khác nhau, nhưng tất cả phải dẫn mọi người đến với Đức Kitô. Gia đình được mời gọi để loan báo Tin Mừng theo cách riêng của mình và không ai thay thế được: trong nội bộ gia đình, trong môi trường của mình (hàng xóm, bạn bè, họ hàng), trong cộng đoàn Hội thánh, trong xã hội.

Cộng đoàn Thánh Thể, khi cùng với thánh Phaolô mang lấy nỗi bận tâm về toàn thể Hội thánh, sẽ nới rộng tầm nhìn của mình đến một phạm vi hoàn vũ. Nếu như đối với Hội thánh, việc được sai đến với muôn dân (missio ad gentes) là viễn tượng của việc truyền giáo, thì đối với các giáo hội địa phương cũng thế, họ được sai đi để loan báo Tin Mừng trên chính lãnh thổ của mình. Việc giáo dục để biết đón nhận người khác, người bất đồng (quan điểm, tín ngưỡng...), người nhập cư, nên khởi đi từ các gia đình và được cộng đoàn thúc đẩy. Trước đây, trong một số không ít gia đình, có phát sinh trực giác muốn sống một cuộc sống vì người khác, một cuộc sống hiến dâng cho việc truyền giáo và dấn thân vào đời. Những gia đình Kitô giáo nào có kinh nghiệm mạnh mẽ về con người và về tình yêu, cũng như thường xuyên đến với thánh lễ Chúa nhật, thì họ có nhiều câu chuyện muôn màu muôn sắc về ơn gọi phục vụ trong xã hội, về việc dấn thân thiện nguyện, về việc làm chứng trong chính trị, về việc truyền giáo trong các xứ sở khác trên thế giới. Mối liên hệ giữa ngày Chúa nhật và Thánh Thể, giữa Giáo hội và truyền giáo, giữa gia đình và việc phục vụ tha nhân, đòi hỏi phải canh tân việc khai tâm vào đời sống Kitô hữu cốt yếu, thúc đẩy một ý thức mới về truyền giáo. Sức mạnh phi thường của Chúa nhật hướng tâm vào thánh lễ Chúa nhật đã đưa các vị tử đạo thành Abitene đến phúc tử đạo.

“Ngươi đã tập họp tất cả những người này nhằm chống lại chỉ thị của các hoàng đế và của Cêsar phải không?”. Được đầy Thánh Thần, linh mục Saturnino đáp lại: “Chúng tôi đã cử hành thánh lễ Chúa nhật mà không quan tâm gì đến những điều ấy”. Viên thống đốc hỏi “Tại sao?” Saturino đáp: “Bởi vì chúng tôi không thể bỏ thánh lễ Chúa nhật được” (IX).

“Có phải ngươi đã tổ chức những cuộc hội họp trong nhà chống lại sắc lệnh của các hoàng đế không?” Emerito, đầy tràn Thánh Thần nói rằng: “Chúng tôi đã cử hành thánh lễ Chúa nhật trong nhà tôi”. Và họ hỏi tiếp: “Tại sao ngươi cho phép họ vào nhà?” Emerito đáp: “Bởi vì họ là anh em của tôi và tôi không thể ngăn cản họ làm điều này”. Viên thống đốc lại nói: “Nhưng mà ngươi có bổn phận phải ngăn cản họ chứ”. Và Emerito nói: “Tôi không thể làm điều đó bởi vì chúng tôi là Kitô hữu, chúng tôi không thể ở nhà mà không có thánh lễ Chúa nhật” (Acta Saturnini, Dativi, et aliorum plurimorum martyrum in Africa/Sử liệu các thánh tử đạo châu Phi, XI).

Trong những thế kỷ đầu tiên, Hội thánh đã cho phép phổ biến thánh lễ Chúa nhật đến tận cùng thế giới. Ngày nay cũng thế, đời sống thường ngày của gia đình và hội thánh vẫn được mời gọi khởi đi lại từ đó: không có thánh lễ Chúa nhật người Kitô hữu không thể sống được.

E. Lắng nghe Giáo Huấn [của Giáo Hội]

Chúa nhật là sự lặp lại mầu nhiệm Vượt Qua vĩ đại trong một chu kỳ ngắn của tuần lễ. Nó cũng được gọi là “cuộc Vượt qua nhỏ Chúa nhật”. “Sống theo tinh thần Chúa nhật” có nghĩa là sống với ý thức về cuộc giải thoát của Đức Kitô, để sự chiến thắng của Ngài thể hiện trọn vẹn nơi tất cả mọi người qua một thái độ canh tân sâu xa. Không nên hiểu Chúa nhật như ngày lễ cho mọi người khác chỉ theo nghĩa phụng vụ: không chỉ là một hồng ân Kitô giáo, ngày lễ còn có một giá trị nhân bản. Không sống mọi ngày như nhau (và chỉ ngày Chúa nhật mới có bí nhiệm của sự khác biệt), dành thời gian cho cộng đoàn và cho việc bác ái, đó là một đường lối hữu hiệu cho sự giải thoát con người khỏi nô lệ công việc.

Sống theo tinh thần ngày Chúa nhật

Sự mới mẻ hoàn toàn mà Thánh lễ đưa vào cuộc sống con người được biểu lộ trong ý thức Kitô giáo ngay từ thời sơ khai. Các tín hữu đã nhận thức ngay lập tức ảnh hưởng thâm sâu của việc cử hành thánh lễ trên lối sống của họ. Thánh Ignatiô thành Antiôkia diễn tả chân lý này nhờ việc xác định các Kitô hữu như “là những người đã đạt đến niềm hy vọng mới”, và giới thiệu họ như là những người sống “theo ngày Chúa nhật” (iuxta dominicam viventes). Công thức diễn tả của vị tử đạo vĩ đại thành Antiôkia này minh chứng sự liên hệ giữa thực tại thánh lễ với cuộc sống người Kitô hữu trong đời sống hằng ngày của mình. Thói quen đặc thù của người Kitô hữu tụ họp lại với nhau trong ngày thứ nhất, sau ngày sabat, để cử hành việc Đức Kitô sống lại – theo trình thuật của thánh Giustinô tử đạo – cũng là điều xác định hình thức của cuộc sống được canh tân từ sự gặp gỡ Đức Kitô. Công thức của thánh Ignatiô – “Sống theo tinh thần ngày Chúa nhật” – cũng nhấn mạnh đến giá trị kiểu mẫu của ngày thánh này so với mọi ngày khác của tuần lễ. Thật vậy, ngày đó, về cơ bản, không chỉ là sự tạm ngưng những hoạt động thường lệ, như một ngày ngưng nghỉ xen vào giữa nhịp điệu bình thường của mọi ngày. Người Kitô hữu luôn cảm thấy ngày này như ngày đầu tiên trong tuần, bởi vì trong ngày đó người ta tưởng niệm sự mới mẻ hoàn toàn mà Đức Kitô mang lại. Như thế, Chúa nhật là ngày mà người Kitô hữu tìm lại được cuộc sống mình theo hình thức Thánh Thể, là điều họ được mời gọi sống một cách thường xuyên. “Sống theo ngày Chúa nhật” nghĩa là sống trong sự nhận thức về cuộc giải thoát của Đức Kitô và đảm nhận chính cuộc sống mình như là của lễ dâng tiến lên Thiên Chúa, để sự chiến thắng của Người thể hiện trọn vẹn nơi tất cả mọi người qua một thái độ đổi mới sâu xa [Tđ. Sacramentum Caritatis, 72].

F. Những câu hỏi để thảo luận dành cho các đôi vợ chồng và theo nhóm

Những câu hỏi dành cho các đôi vợ chồng:

1. Gia đình chúng ta có cảm thấy Chúa nhật như là thời gian để sống với cho người khác không?

2. Mối tương quan giữa gia đình chúng ta, với những gia đình khác và cộng đoàn Kitô hữu ra sao?

3. Chúng ta thể hiện những cử chỉ phục vụ và bác ái nào trong gia đình suốt tuần qua? Chúng ta đề xuất những việc bác ái nào cho người khác, nhất là những người nghèo túng?

4. Ngôi nhà chúng ta có cánh cửa nào mở ra cho thế giới, cho những vấn đề và nhu cầu của thế giới không?

Những câu hỏi dành cho nhóm gia đình và cộng đoàn:

1. Ngày nay dường như người ta ít có kinh nghiệm về chiều kích cộng đoàn của ngày Chúa nhật. Chúng ta có thể tìm những biện pháp và những gợi ý nào?

2. Các cộng đoàn Kitô hữu có thông truyền cho các gia đình kinh nghiệm hiệp thông không? Các gia đình có thôi thúc các cộng đoàn Kitô hữu hướng đến một lối sống huynh đệ hơn không?

3. Đời sống giáo xứ có lưu tâm thường xuyên tới đức ái không? Các hiệp hội và tổ chức bác ái (Caristas) có phải là một biểu hiện của toàn thể cộng đoàn không?

4. Làm thế nào để trợ giúp các gia đình trong việc giáo dục về giá trị của một cuộc sống xả thân vì người khác, và khơi dậy các ơn gọi truyền giáo?

G. Một quyết tâm cho đời sống gia đình và xã hội

H. Cầu nguyện tự phát. Kinh Lạy Cha.

I. Bài hát kết thúc.

(Dịch từ bản tiếng Ý)

LỊCH PHỤNG VỤ